Đại tá Không quân - Cơ trưởng Đinh Văn Niêm viết về lễ kết nạp đảng viên 'có 1 không 2' trong lịch sử:

Trong cuộc chiến đấu trên không chống lại lực lượng không quân và hải quân Mỹ, các phi công Việt Nam anh hùng đã lập nên nhiều chiến công kỳ tích.

Đã có hàng trăm phi công được kết nạp đảng trước và sau các trận đánh nhưng câu chuyện kết nạp đảng viên mới Nguyễn Hữu Hùng ngay trên bầu trời, sau trận tấn công tiêu diệt căn cứ radar Pa Thí trở về là câu chuyện 'có 1 không 2', cũng có thể nói là trường hợp duy nhất trong lịch sử vẻ vang của Đảng và quân đội ta.

{keywords}
Máy bay vận tải An-2

Trận đánh mục tiêu mặt đất đầu tiên của Không quân vận tải

Những năm chiến tranh, Đảng bộ Trung đoàn Không quân vận tải 919 đã lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện để đơn vị hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Các trận đánh của không quân vận tải có đặc điểm là tiến hành xa đơn vị, trong những điều kiện rất ác liệt, nhiều chuyến bay được xác định là các chuyến bay cảm tử. Vì vậy, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân chủng Không quân và Đảng ủy Trung đoàn 919 đã có chủ trương “mỗi tổ bay đi chiến đấu hoặc làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu là một chi bộ độc lập”.

Căn cứ Pa Thí là một tổ hợp quân sự hỗn hợp của Mỹ ở vùng đông bắc Sầm Nưa (Lào). Mỹ đã cho lắp đặt hệ thống radar TACAN, hệ thống chỉ dẫn máy bay trong mọi điều kiện thời tiết (AN/TSQ-81) tại căn cứ này để chỉ huy không quân trong các đợt ném bom miền Bắc.

Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không, Không quân đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 919 nghiên cứu, tìm phương án tấn công tiêu diệt trạm radar Pa Thí. Đây là trận đánh mục tiêu mặt đất đầu tiên của Không quân vận tải, xa căn cứ xuất phát của ta, lại nằm trong lòng địch. Những chiếc máy bay vận tải An-2 được lựa chọn để đánh địch.

Trận tập kích Pa Thí ngày 12/1/1968 do các tổ bay 354, 355, 356, 357 thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 919 thực hiện đã thành công. Trạm radar dẫn dường ở Pa Thí bị phá hủy bởi loại máy bay mà người Mỹ coi là “cổ lỗ sĩ”.

{keywords}
Phi đội 4 chiếc An-2 xuất kích từ sân bay Gia Lâm đã tập kích thành công trạm radar dẫn đường của Mỹ trên đất Pa Thí (Lào)

Lễ kết nạp đảng viên 'có 1 không 2'

Sau trận đánh lịch sử này, chi bộ tổ bay 356 đã tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho phi công, cơ phó Nguyễn Hữu Hùng, ngay khi máy bay về đến biên giới Lào - Việt. Lễ kết nạp có sự tham gia của cơ trưởng Nguyễn Ngộ, Bí thư chi bộ; đồng chí Nguyễn Kim Kiểu - hoa tiêu, đảng viên; đồng chí Trần Trinh - đảng ủy viên, trợ lý chính trị Tiểu đoàn 3.  

Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng sinh năm 1940 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Dĩnh Kế, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nguyễn Hữu Hùng nhập ngũ năm 1959, được quân đội cử đi học lái máy bay ở Trung Quốc. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp về nước, đồng chí được điều về Trung đoàn 919. Năm 1966, đồng chí được biên chế về Đại đội 6, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 919. Trong quá trình học tập, công tác, đồng chí luôn luôn gương mẫu, đạt thành tích cao, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.

Nguyễn Hữu Hùng là lớp đoàn viên tiêu biểu được chọn đi học lớp cảm tình Đảng đầu tiên của đại đội. Đồng chí đã cùng tổ bay xuất kích nhiều lần đánh tàu địch trên vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, là 1 trong 7 chiến sĩ của đại đội 6 được tặng huy hiệu Bác Hồ.

Đảng ủy Tiểu đoàn 3 được Đảng ủy Trung đoàn 919 chuẩn y, đã cử đồng chí Trần Trinh - Đảng ủy viên trực tiếp tham gia cùng chi bộ chiến đấu 356 để động viên tổ bay và tổ chức lễ kết nạp cho đồng chí Hùng. Đây là một quyết định độc đáo, nhưng rất chính xác trong điều kiện chiến đấu xa đơn vị của các tổ bay.

Trên đường trở về sau khi phá hủy căn cứ radar Pa Thí, khi qua không phận biên giới Lào - Việt, đồng chí Trần Trinh thay mặt Đảng ủy và chi bộ đọc quyết định kết nạp đồng chí Nguyễn Hữu Hùng vào Đảng Lao động Việt Nam.

Nguyễn Hữu Hùng là phi công duy nhất của Không quân nhân dân Việt Nam, và có lẽ là người đảng viên duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam được kết nạp giữa bầu trời.

Ngày 30/3/1976, đồng chí Nguyễn Hữu Hùng được biên chế về Trung đoàn 918 nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển loại lái máy bay C-47 là chiến lợi phẩm thu được của Không quân Mỹ. 

Sau một thời gian huấn luyện, trở thành phi công máy bay C-47, đồng chí lại tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ vận tải nhân sự, cơ động lực lượng, tiếp tế lương thực và quân trang, quân dụng theo yêu cầu nhiệm vụ.

Năm 1977, trong chiến dịch truy quét tàn quân Pol Pot, các loại máy bay C-47, C-119, C-123 được cải tiến, trang bị thêm súng máy, bom, cối 120mm. Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng cùng đơn vị tham gia chiến dịch vừa chiến đấu, vận chuyển lương thực, cơ động lực lượng trong các năm từ 1977-1979. Đồng chí cùng các chiến sĩ Trung đoàn 918 đã góp phần giúp quân và dân Campuchia đánh tan tàn quân Pol Pot. 

Đinh Văn Niêm

Trận không chiến kỳ lạ bậc nhất trên bầu trời Việt Nam

Trận không chiến kỳ lạ bậc nhất trên bầu trời Việt Nam

 Đối tượng tấn công của biên đội tiêm kích F-4J (Mỹ) chỉ là 1 chiếc MiG-21U hai chỗ ngồi dùng để huấn luyện, không đeo vũ khí.