- Những quân nhân trẻ đã ở chân trời rất xa, chỉ còn lại những khắc khoải nhớ  thương trong người mẹ, người vợ, còn lại bao ước mơ dang dở…

Dang dở ước mơ

{keywords}

Vợ Thượng uý Lê Đức Lam đang mang bầu 6 tháng đứng không vững trước nỗi đau quá lớn. Ảnh: Phụ nữ TP.HCM

Nước mắt người thân, đồng đội và người dân cả nước đã không ngừng rơi trong giờ phút tiễn biệt 9 liệt sĩ phi hành đoàn Casa 212. Các anh đã yên nghỉ nơi đất mẹ, chỉ còn lại những nhớ thương khôn nguôi khi con xa bố, vợ xa chồng, lá vàng  khóc lá xanh.

Trong 9 quân nhân hi sinh, còn duy nhất thi hài Thượng úy Lê Đức Lam (31 tuổi, Ninh Giang, Hải Dương) vẫn chưa được tìm thấy.

Trong tang lễ cấp cao 9 liệt sĩ, chị Thúy Nga - vợ anh không đứng vững trước nỗi đau quá lớn. Tin dữ ập xuống khi cả 2 vợ chồng chị đang háo hức đếm từng ngày để chờ đón con đầu lòng vào tháng 9 tới.

Chàng lính nghèo kết hôn đầu năm 2015 với cuộc sống nhiều thiếu thốn nhưng đầy ắp hạnh phúc. Từ khi biết tin vợ mang bầu, anh Lam đã chắt chiu từng đồng lẻ đút lợn chờ đến ngay vợ sinh. Khi mới tiết kiệm được 1,6 triệu cho vợ vượt cạn thì anh đã mãi ra đi...

{keywords}

Chị Nguyệt - vợ Thượng uý Nguyễn Văn Thái ôm con khóc trước nỗi đau quá lớn

Chung hoàn cảnh thiếu trước, hụt sau, vợ chồng Thượng uý Nguyễn Văn Thái (34 tuổi, Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhiều năm sống chật vật tại Hà Nội khi cùng lúc phải nuôi 2 con nhỏ lại nheo nhóc thuê nhà.

Mãi đầu năm vừa rồi, vợ chồng anh mới thuê được nhà công vụ giá rẻ trong chung cư Tổng cục Cảnh sát biển, chưa kịp sắm sửa gì.

“Về nhà mới, nó biết mẹ thích nghe hát nên sắm ngay một cái tivi. Cứ hôm nào về nhà, nó lại hỏi mẹ thích nghe bài gì để con bật. Rồi nó bảo cố thêm mấy tháng nữa có tiền con sẽ đổi xe máy vì cái cũ nát quá rồi và mua thêm một bộ bàn ghế nhỏ”, bà Hồ Thị Hồng - mẹ anh Thái nghẹn ngào.

Chắt chiu và vay mượn nhiều nơi, gần đây vợ chồng Thượng uý Nguyễn Bá Thế (An Dương, TP.Hải Phòng) mới cất được căn nhà cấp 4 chừng 30m2 chưa sơn quét.

Anh xem đây như một món quà tặng vợ khi vừa sinh con gái thứ 2. Trước chuyến công tác, anh hẹn sẽ dành trọn những ngày nghỉ cuối tuần để về tranh thủ sơn sửa hoàn thiện căn nhà nhưng giờ người vắng, nhà trống...

Còn với gia đình Thiếu tá Lê Văn Đình (32 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh), căn hộ mới mua tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội từ nay cũng vĩnh viễn vắng bóng 1 người.

{keywords}

Cô con gái nhỏ của Thiếu tá Lê Văn Đình liên tục hỏi “Sao bố chưa về mua sữa cho con?”

Lời hứa “Sau chuyến bay này cả nhà mình sẽ chuyển từ Thái Nguyên về nhà mới” đã không trọn vẹn. Gia đình nhỏ chỉ còn lại 3 mẹ con với khắc khoải nhớ thương.

Những lần gặp mặt cuối cùng

Những bữa cơm ăn vội, những cuộc gọi vội vàng..., không ai nghĩ đó sẽ là lần gặp mặt cuối cùng của gia đình với các chiến sĩ trên Casa 212.

Với gia đình Thượng uý Nguyễn Văn Thái, lần cuối cùng vợ con và mẹ được gặp anh là buổi chiều 15/6 trước khi nhận nhiệm vụ.

Giữa chiều chạng vạng, Thượng uý Thái phóng xe từ đơn vị bên Gia Lâm về nhà ăn cơm với vợ con. Trước giờ ăn, anh tỉ mỉ cắt tóc cho 2 con trai, cậu lớn đã 4 tuổi, cậu út 21 tháng.

{keywords}

(Ảnh: VOV)

{keywords}

Hình ảnh những cháu nhỏ trong lễ tang các liệt sỹ trên phi hành đoàn Casa 212 khiến nhiều người rớt nước mắt. (Ảnh: Giao thông)

“Thấy vậy bà nội có hỏi sao không để cuối tuần hãy cắt thì anh bảo: ‘Có thể cuối tuần con bận không về được’. Đến khoảng 21h, anh nhận được điện thoại từ đơn vị báo sớm mai phải nhận nhiệm vụ bay. Anh nói phải đi tìm đồng đội trên Su-30 mất tích. Nói đoạn anh đi luôn”, vợ anh - chị Doãn Thị Bích Nguyệt trào nước mắt kể.

Đến tối hôm sau (16/6), chị Nguyệt sững sờ nhận được tin sét đánh.

Còn mẹ anh khi hay tin cứ mải miết nhìn ra ngoài cửa sổ, ngóng chờ con ở một góc giường. Mỗi khi con trai nhận nhiệm vụ bay, bà Hồng vẫn hay nhìn lên bầu trời như thế.

Bà Phùng Thị Thuận, mẹ của Trung tá Nguyễn Ngọc Chu (Thanh Hà, Hải Dương) chỉ được nghe giọng con qua điện thoại vài phút trước khi máy bay Casa 212 cất cánh.

Cuộc gọi lúc 7h sáng ngày 16/6. “Nó hỏi thăm sức khỏe tôi rồi bảo đi về nhà nghỉ cho đỡ nắng, hôm nào con sẽ gửi tiền về”.

Khi hay tin con trai gặp nạn, bố anh - thương binh hạng 2/4 nằm liệt giường nhiều năm nay, không nói năng được gì, chỉ nằm khóc.

Trước khi nhận nhiệm vụ 4 ngày, Thượng tá Lê Văn Đình cũng có 2 ngày cuối tuần về nhà và mọi người vẫn còn nhớ như in những lời nhắn gửi.

"Cậu bảo nếu đi làm nhiệm vụ mà mất liên lạc thì gia đình đừng chờ và bố mẹ, vợ con ở nhà vượt khó khăn để cậu yên tâm làm nhiệm vụ", cháu họ Thiếu tá Đình nghẹn ngào nhớ lại.

Đó cũng là lần cuối cùng mọi người được nhìn thấy anh...

Thấy bố lâu về, cô con gái 2 tuổi Hạ Bình cứ liên tục hỏi “Sao bố chưa về mua sữa cho con?”. Trong đám tang, bé con cứ tha thẩn chơi trong nhà tang lễ khiến ai cũng trào nước mắt.

Lớn hơn bé Hạ Bình vài tháng, bé Diệp - con gái Đại uý Đỗ Văn Mạnh (27 tuổi, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cũng liên tục hỏi ông nội “bố Mạnh đi đâu, bố Mạnh bao giờ về mua đồ chơi cho con?”.

Lời hứa “Chờ bố về, bố sẽ cho đi máy bay” mãi dang dở...

Thuý Hạnh