- Đứa con gái bé bỏng gần 3 tuổi của Thượng úy Đỗ Văn Mạnh nhiều ngày nay hỏi đi hỏi lại: “Bố Mạnh đi đâu, bố Mạnh bao giờ về mua đồ chơi cho con”…

Câu hỏi của cô cháu gái cứa lòng ông Đỗ Văn Tới (52 tuổi) và những người thân trong gia đình của Thượng úy Đỗ Văn Mạnh (27 tuổi, ở thôn Đình, xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) kể, từ ngày hay tin chiếc máy bay Casa 212 đi làm nhiệm vụ gặp nạn.

Anh là một trong 9 quân nhân có mặt trên chiếc máy bay ấy đến giờ vẫn chưa rõ tung tích.

“Diệp à, Diệp phải ngoan nha, ăn nhiều, ít hôm nữa về ông thương nha”, ông Tới nói qua điện thoại với cô cháu gái đang ở Hà Nội với mẹ mà cũng rầu trong lòng.

{keywords}

Bố chiến sĩ Đỗ Văn Mạnh

Cũng như đứa cháu bé nhỏ, nhiều ngày nay, chính ông cũng không khá khẩm hơn. Gương mặt đăm chiêu, nét mặt bơ phờ vì mất ăn, mất ngủ ngóng tin tức của đứa con trai duy nhất. Trong đôi mắt thẫn thờ là cả sự chờ mong trong mòn mỏi…

“Cả tuần nay, tôi đến ăn cũng chẳng ăn được chứ chưa nói đến việc đi làm gì cả”, ông nói trong thở dài.

Chỉ trước hôm gặp nạn khoảng hai tuần, anh Mạnh còn đưa con gái ở Hà Nội về quê chơi rồi mới trở lại đơn vị công tác. Hôm nhận tin cả nhà không tránh khỏi sự bàng hoàng.

Bà Thi, mẹ đẻ của Thượng úy Mạnh từ hôm hay tin con cứ khóc suốt, có người đến thăm hỏi tin tức là khóc.

{keywords}
(Ảnh: QPVN)

Em gái bà Thi kể: “Từ hôm biết tin cháu Mạnh gặp nạn, chị ấy nằm một mình một góc phòng khóc, mãi mới chợp mặt được một lúc”. 

Nỗi nhớ thương con khiến trái tim người mẹ hiền như bị dao cứa vào, nâng bát cơm lên ăn rồi đặt xuống không có tâm trạng đâu để nuốt nổi.

“Cả tuần nay may ra bà ý được nửa bát cháo vào bụng thôi”, ông Tới kể.

Chờ phép màu

Trong thương nhớ, ông Tới kể về đứa con trai từ nhỏ đến lớn luôn ngoan hiền, hiếu thảo, đặc biệt học rất giỏi, luôn nằm trong top đầu của lớp.

Đến giờ ông vẫn tự hào vì anh thi đỗ vào Học viện Phòng không - Không quân với điểm số cao chót vót.

{keywords}

Ông nội của người chiến sĩ buồn bã chờ tin cháu trai

Gia đình anh có truyền thống tham gia kháng chiến chống giặc cứu nước, từ ông nội cho đến bố đều có thời gian dài tham gia quân ngũ.

Ông Tới giải thích lý do về quyết định học trong quân đội của Mạnh là muốn tiếp nối truyền thống của gia đình và cũng là niềm mơ ước từ bé của anh.

Ông Khoa, chú ruột của chiến sĩ cũng chia sẻ về người cháu hiếu thảo, lễ phép, hay tâm sự, kể về những nhọc nhằn trong học tập hay tập luyện trên thao trường…

Nhưng dù vậy, Mạnh luôn thường cười tươi và luôn tỏ ra lạc quan, yêu đời.

“Chưa bao giờ tôi thấy Mạnh than phiền bất cứ điều gì về công việc cháu đang thực hiện cả”, ông Khoa nói.

Xen vào câu chuyện, ông Tới trong ánh mắt chực trào nước mắt, giọng trầm buồn vẫn vững tin: “Con trai tôi hiền lành, đạo đức lắm, tôi tin phép màu sẽ đưa con tôi trở về đoàn tụ cùng gia đình”.

Ngừng lời, đôi tay người cha run run, mắt nhìn xa xăm vô định, không gian chìm vào sự tĩnh lặng trong một buổi trưa hè oi ả.

Kể về con trai, ông Tới nhắc cũng nhắc đến con gái bé bỏng gần 3 tuổi của Thượng úy.

“Từ ngày bố cháu gặp nạn, suốt ngày cháu cứ hỏi: “bố Mạnh đi đâu, bố Mạnh bao giờ về mua đồ chơi cho con”, ông Tới kể thêm, hai vợ chồng anh Mạnh đang ở nhờ tại một chung cư tại Hà Nội. Vợ của Mạnh học trường tài chính, hiện công việc chưa ổn định…

Ông Nguyễn Duy Tơn, Phó Chủ tịch xã Bồ Sao cho hay, từ khi hay tin, ngoài thăm hỏi, động viên gia đình, chính quyền, người dân ở xã cũng như người thân đang từng ngày chờ mong tin tức về người chiến sĩ.

Nhị Tiến - Đoàn Bổng