Đề nghị này được Bộ Quốc phòng đưa ra trong tham luận gửi đến hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam hôm qua.

Đóng tàu xuất khẩu cho Hà Lan, Pháp

Theo Bộ Quốc phòng, cơ khí quốc phòng chủ yếu là nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa và cải tiến, hiện đại hóa vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự phục vụ quốc phòng - an ninh…

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho cơ khí quốc phòng nhiều cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực sản xuất và trở thành một bộ phận của công nghiệp quốc gia.

{keywords}
Tiêm kích Su-27UBK số hiệu 8526 được sửa chữa lớn, tăng hạn sử dụng tại nhà máy A32. Ảnh: Truyền hình Quốc phòng

Nhờ vậy, ngành cơ khí quốc phòng đạt được một số kết quả như cơ khí đóng tàu thủy đã chế tạo được các loại tàu có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, các loại tàu cao tốc phục vụ quốc phòng an ninh.

Ngoài sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, các đơn vị ký hợp đồng đóng tàu xuất khẩu cho Hà Lan, Pháp.

Đối với thiết bị kỹ thuật điện tử, ngành cơ khí quốc phòng đã tham gia chế tạo chi tiết cơ khí cho hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống vận chuyển bằng băng tải…

Tuy nhiên, hiện nay, cơ khí quốc phòng chưa tham gia chế tạo thiết bị toàn bộ, chỉ tham gia sản xuất một số chi tiết cơ khí; máy động lực cũng chỉ mới dừng lại sản xuất chi tiết cơ khí...

Từng bước xây dựng lực lượng tổng công trình sư và kỹ sư trưởng

Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách phát triển ngành cơ khí. Trong đó phải kế đến các chính sách đầu tư cho nghiên cứu và phát triển sản xuất.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thăm gian trưng bày các thành tựu của ngành cơ khí quốc phòng

Bộ đề nghị ưu tiên định hướng, đầu tư vào các cơ sở khoa học kỹ thuật có công nghệ, kỹ thuật hiện đại; đầu tư phát triển các công nghệ hiện có về sản xuất vật liệu kim loại, phi kim loại dùng cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghệ nhiệt luyện.

Quan tâm đầu tư phát triển ngành luyện kim chất lượng cao để tiến tới tự bảm đảm được các loại phôi thép cho công nghiệp chế tạo trang bị, dụng cụ, khuôn mẫu, chế tạo máy… và phục vụ sản xuất quốc phòng như thép cho sản xuất súng, đạn, thép chế tạo nòng súng các loại. Vì thực tế, các loại thép chất lượng cao nước ta hiện nay chủ yếu nhập ngoại.

Bộ Quốc phòng cũng đề nghị ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí, gắn đào tạo với thực hành. Đồng thời, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ cho những ngành cơ khí đặc thù.

Cùng với đó, hỗ trợ kính phí cử cán bộ, công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các chương trình, dự án được phê duyệt, từng bước xây dựng lực lượng tổng công trình sư và kỹ sư trưởng.

Bộ Quốc phòng cũng đề nghị có chính sách ưu đãi để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực có chất lượng, khuyến khích nhân tài phục vụ cho xây dựng và phát triển ngành cơ khí quốc gia.

Có cơ chế tài chính trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào phục vụ sản xuất công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là ngành nghề có tính đặc thù như: Sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược, thuốc nổ…

Ngoài ra, Bộ đề nghị tiếp tục duy trì và bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ đối với doanh nghiệp quốc phòng thực hiện nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài, đạn dược, trang thiết bị quân sự.

Xây dựng hệ thống thông tin ngành cơ khí để làm cơ sở dữ liệu cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng khai thác.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị có chính sách bảo hộ mậu dịch đối với các sản phẩm cơ khí được sản xuất trong nước để tạo điều kiện phát triển ngành cơ khí. Cùng với đó là các chính sách tín dụng đầu tư; các chính sách về thuế, phí…

Kỹ sư Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, các DN cơ khí và đóng tàu quốc phòng đã làm chủ công nghệ và có năng lực chế tạo được một số vũ khí, khí tài, công cụ quốc phòng để tăng cường sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời cũng tích cực sản xuất nhiều loại sản phẩm để phục vụ phát triển kinh tế và nhu cầu dân sinh.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý, ngành cơ khí giữ vai trò hạ tầng kỹ thuật cho nhiều ngành, trong đó có an ninh quốc phòng nhưng công nghiệp cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu thị trường nội địa.

TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch, Tổng Thư ký VAMI thông tin, ngành đóng tàu của Việt Nam đã đóng được các sê-ri tàu chở hàng 53.000 DWT, 34.000 DWT; tàu chở dầu thô 100.000 DWT; tàu chở ô tô đến 4.900 xe; kho chứa xuất dầu 150.000 DWT.

Ngoài ra, ngành đóng tàu cũng làm ra các lô tàu ven biển, pha sông biển, tàu cứu hộ - cứu nạn, tàu hải quân, kiểm ngư, lai dắt, tàu hút bùn… phục vụ nhu cầu rất đa dạng của nền kinh tế bao gồm vận tải biển, quốc phòng và an ninh hàng hải.

Thu Hằng 

Điều ít biết về tàu tên lửa 'Tia chớp' của Việt Nam phòng thủ trên Biển Đông

Điều ít biết về tàu tên lửa 'Tia chớp' của Việt Nam phòng thủ trên Biển Đông

Tàu tên lửa lớp Project 1241.8 Molniya có khả năng tác chiến đáng sợ, được thiết kế để tiêu diệt nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các phương tiện mặt nước khác.