"Nhìn các anh thương lắm, máy bay rơi nát tại một điểm, 3 anh rơi ra bên ngoài trong bán kính khoảng 5m. Thi thể các anh đã bắt đầu cứng lại khi anh em đưa các anh về" - một chiến sĩ tham gia cứu hộ chia sẻ  

Sau nhiều nỗ lực, vào chiều 19/10, thi thể 3 sĩ quan trong vụ trực thăng EC-130 rơi ở núi Dinh (Bà Rịa–Vũng Tàu) đã được tìm thấy và đưa về TP.HCM.

Sau khi khiêng thi thể 3 sĩ quan xuống chân núi, bàn giao cho bộ phận tiếp nhận, những người lính công binh của Đại đội 46, Bộ Chỉ huy Quân sự Bà Rịa-Vũng Tàu lại nhanh chóng lên xe, trở về doanh trại.

{keywords}

Chiến sĩ Vũ Hào Quang (cơ động xã Hắc Dịch, H.Tân Thành) là người đầu tiên nhìn thấy thi thể nạn nhân

Những người lính nghĩa vụ còn trẻ măng, chân khập khiễng vì leo dốc với cường độ cao, quần áo ướt nhẹp vì nước mưa. Nhiều người bụng đói meo, trệu trạo ngồi ăn những gói mỳ tôm sống.

Khi PV VietNamNet tiếp cận hỏi chuyện, những người lính Đại đội CB 46 cho biết, ngay sau khi nhận được lệnh điều động, họ đã có mặt tại chân núi lúc 7h30'. Đại đội được triển khai thành 4 mũi, phối thuộc với nhiều lực lượng khác, rồi hành tiến lên các điểm nghi ngờ.

Một chiến sỹ công binh trong mũi tìm thấy các nạn nhân cho biết, khi hành tiến lên điểm cao 525, đường núi rất dốc, phải vừa đi vừa mở đường. Mỗi đội tìm kiếm được trang bị dao phát cây, cưa máy.

{keywords}

Dân quân tự vệ phường Châu Pha là những người tiếp cận các nạn nhân sớm nhất, báo về cho lực lượng cứu hộ

{keywords}

{keywords}

Một người trong đoàn bị thương trong khi cứu hộ

"Khi lên đến điểm cao 525, trực thăng tìm kiếm bay sàn sạt trên đầu. Khi mũi tìm kiếm nhìn thấy điểm pháo sáng từ trực thăng bắn xuống, cả nhóm bắt đầu xuống núi mở đường sang điểm máy bay rơi.

Chúng tôi phải leo xuống, đi ngang, rồi lại leo lên, hết 45 phút mới tới được nơi máy bay rơi", một chiến sỹ kể lại.

"Nhìn các anh thương lắm, máy bay rơi nát tại một điểm, 3 anh rơi ra bên ngoài trong bán kính khoảng 5m. Thi thể các anh đã bắt đầu cứng lại khi anh em đưa các anh về", một chiến sỹ nghĩa vụ chia sẻ.

Là thành viên nữ hiếm hoi trong đoàn tìm kiếm thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện Tân Thành và phải trèo đèo vượt núi suốt nhiều giờ, khuôn mặt chị Trần Thị Thu (27 tuổi) ướt đẫm mồ hôi.

"Dù các chiến sĩ đã mất nhưng cuối cùng các anh cũng được đưa về với gia đình" – vừa nhấp ngụm nước lọc chị chia sẻ.

Cách đó không xa, một cán bộ thuộc Tổng công ty trực thăng Việt Nam đang được người đồng nghiệp băng bó vết thương ở tay bị thương trong lúc tìm kiếm máy bay gặp nạn.

Cán bộ này cho hay, từ khi nhận tin dữ về trực thăng EC-130, anh và các đồng nghiệp đã cùng các lực lượng chức năng khác tìm kiếm suốt 2 ngày.

{keywords}
{keywords}

Ai cũng mệt, không thể ăn được gì, chỉ thèm được uống nước

“Đường núi rất hiểm trở, anh em vừa đi vừa phát cây rừng dò đường. Lương thực, nước uống mang theo cũng không đủ, phải uống nước suối dọc đường, nhường nhau từng miếng bánh ăn lấy sức” – anh kể.

Lúc thi thể 3 sĩ quan được lực lượng cứu hộ đưa ra xe cứu thương tại khu vực phía sau chùa Kim Liên, huyện Tân Thành. Người nhà 3 phi công òa khóc nức nở khiến ai chứng kiến cũng nghẹn lòng.

Anh Dũng (44 tuổi, cậu ruột Đại uý Dương Lê Minh – 1 trong 3 sĩ quan tử nạn) cho chúng tôi hay, cách đây khoảng 10 năm, ba của Minh cũng hi sinh trong một lần bay huấn luyện. Gia đình sau đó không muốn Minh theo nghề phi công nhưng Minh vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê.

"Vợ nó vừa sinh cháu nhỏ được vài tháng, gia đình không dám báo tin này cho người vợ biết vì sợ không chịu đựng nổi hung tin" – anh Dũng nghẹn lời nói.

Nhóm P.V