Sáng nay, QH thảo luận tại hội trường dự thảo luật Đầu tư công (sửa đổi).

Cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn

Ủy viên thường trực UB Tài chính ngân sách Hoàng Quang Hàm đặt ra vấn đề sửa đổi thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn là đánh giá tác động chưa kỹ.

{keywords}
ĐB Hoàng Quang Hàm. Ảnh: Minh Đạt

“Chính phủ đề xuất trao thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho Chính phủ vì lý do mất thời gian, phát sinh thủ tục và số lượng dự án nhiều là không thuyết phục”, ông Hàm nói.

Theo ông Hàm, luật hiện hành quy định QH quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án rất khả thi, linh hoạt và hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc, định hướng.

“QH quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách TƯ theo Hiến pháp vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từ dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức”, ĐB Hàm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngân sách TƯ đầu tư hàng ngàn công trình chưa thể khắc phục ngay, cải thiện chất lượng kế hoạch Chính phủ trình cũng không thể một sớm, một chiều.

ĐB Hàm cho rằng, sẽ là linh hoạt hơn và vẫn bảo đảm thẩm quyền của QH nếu giữ như luật hiện hành là Chính phủ trình QH danh mục, mức vốn để QH thảo luận nhưng không qui định “cứng” QH quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án.

Chung quan điểm, bà Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lưu ý, quyết định danh mục dự án chính là việc phân bổ 2 triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn, đây là tiền thuế của dân và QH không thể không xem xét nội dung này.

“Nếu giao quyết định thì đồng nghĩa giao Chính phủ quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, như vậy là ngược quy trình, không hợp lý", bà Mai nói.

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), giao cho Chính phủ quyết định danh mục dự án đầu tư công trung hạn như "một cách phân cấp".

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) đặt vấn đề, có ý kiến cho rằng luật Đầu tư công "là bước thụt lùi của cải cách" vì có quá nhiều thủ tục hành chính.

Ông dẫn chứng, sân bay Vân Đồn do tư nhân đầu tư làm rất nhanh, trong khi các dự án đầu tư công lại quá chậm vì nhiều thủ tục. ĐB Phương cho hay, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn.

Điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ có thể không còn dự án nào trình QH

Liên quan đến tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ và một số ĐB đề nghị điều chỉnh từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng. Quan điểm của UB Thường vụ QH là giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành.

"Việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc.

Ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án", Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo của UB Thường vụ QH.

Thống nhất với quan điểm của UB Thường vụ QH, theo ông Hoàng Quang Hàm, với mức vốn 10.000 tỷ đồng, QH 2 khóa 13, 14 cũng chỉ có 2 dự án trình QH.

“Một quốc gia đang phát triển mà 10 năm chỉ có 2 dự án quan trọng là quá ít; điều chỉnh tăng lên 20.000 tỷ có thể không còn dự án nào trình QH”, ông Hàm nêu rõ.

Theo ông, QH quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà điều chỉnh để QH không quyết định dự án nào là bất hợp lý.

ĐB Hàm cho rằng, mức 10.000 tỷ cũng đã là cao so với quy mô chi đầu tư hàng năm của ngân sách TƯ, không tính bổ sung cho địa phương thì chỉ hơn 80.000 tỷ đồng.

Chung quan điểm, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay, phải kiểm soát dự án đầu tư quan trọng quốc gia ở mức 10.000 tỷ.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Minh Đạt

“Kiểm soát nợ công và thâm hụt ngân sách càng ngày càng quan trọng. Đã đụng tới tài sản công, ngân sách nhà nước, ở nhiều quốc gia thì vài nghìn, vài chục nghìn, vài triệu đô cũng cực kỳ quan trọng, phải kiểm soát chặt chẽ chứ đừng nói là 10.000 tỷ”, ĐB Nghĩa nhấn mạnh.

Giải trình làm rõ, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng ý thẩm quyền quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc về QH.

Song, theo Bộ trưởng, quá trình làm thực tế 9.600 dự án đầu tư công trung hạn phát sinh những điều chỉnh, thay đổi. Mỗi lần thay đổi là 1 lần báo cáo xin ý kiến QH sẽ khiến khối lượng công việc của QH rất lớn.

Vì vậy, đề xuất giao Chính phủ làm những việc cụ thể phát sinh trong quá trình làm dự án sẽ giúp công việc và điều hành của QH linh hoạt, nhẹ nhàng hơn.

“Nguyên tắc cơ quan quyền lực cao nhất của QH vẫn được đảm bảo", ông Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư công đã hết thời ‘ăn đong’

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư công đã hết thời ‘ăn đong’

Bộ trưởng KH-ĐT cho biết đã hạn chế được rất nhiều tình trạng ăn đong, xin cho, vốn ít nhưng dự án thì nhiều, dàn trải dẫn đến nợ đọng.

Hương Quỳnh