Nói về đề án tái cơ cầu nền kinh tế tại thảo luận tổ của đoàn ĐBQH Hải Phòng sáng nay, Thủ tướng nhấn mạnh là phải dám cắt bỏ đi cái gì kém hiệu quả, nếu bình bình thì khó làm, vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kinh tế nhiều thời kỳ khác nhau, từ khi đổi mới đã hơn 30 năm nên giờ tái cơ cấu lại không phải là dễ, bởi tái là làm lại cho cơ cấu kinh tế phù hợp, để công nghiệp hóa đi lên.

“Chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh. Nếu không quyết tâm chính trị cao thì vẫn là cách làm cũ, không ăn thua, kém hiệu quả.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cho rằng phải có bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu. Nhiều ý kiến đề nghị, người đứng đầu phải đứng ra chỉ đạo tái cơ cấu hay là có đội đặc nhiệm tái cơ cấu, dám cắt bỏ đi cái gì kém hiệu quả.

Từ TƯ đến các địa phương, ngay các đoàn thể chính trị cũng cần tham gia vào quá trình đó, QH tham gia giám sát như thế nào.

“Nếu bình bình thì khó làm lắm. Vẫn vở cũ chép lại thì khó thành công”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, để tái cơ cấu, phải có nguồn lực. Nợ xấu hiện nay rất lớn, muốn giải quyết, phải bỏ tiền bạc. Vì vậy Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết. Có ý kiến cho rằng, lấy trong dự trữ ngoại hối, hay bán doanh nghiệp nhà nước…

Thủ tướng khẳng định: “Không dùng đến kinh phí tiền bạc thì không thể tái cơ cấu”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đặt vấn đề tập trung vào một số thế mạnh của VN để tái cơ cấu. “Thế mạnh VN là gì, phải tìm ra, chúng ta cũng đề xuất với QH nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao phải đặt ra cho rõ ràng hơn”, Thủ tướng nói.

Lấy điển hình từ Cà Mau là nơi sản xuất tôm lớn, xuất khẩu đến 1 tỷ USD, Thủ tướng đặt vấn đề phải nâng cao chất lượng thế nào, giống gì, thâm canh ra sao, môi trường thế nào…

Đề cập đến du lịch, Thủ tướng cho rằng đây cũng là một thế mạnh cần tập trung. “Mình hiện nay có 6 - 7 triệu khách trong khi như Hồng Kông có 6 - 7 triệu dân mà có 60 - 70 triệu khách, Thái Lan 60 - 70 triệu khách còn Singapore có mấy triệu dân mà 30 triệu khách”, Thủ tướng dẫn chứng các nước trong khu vực.

Từ đó, ông lưu ý VN có phong cảnh rất đẹp nhưng gần 100 triệu dân thì có mấy người đến được mũi Cà Mau. “Mở ra như thế nào để cả nội địa với quốc tế chứ không chỉ quốc tế không, cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa lên, đó là thế mạnh của VN”, Thủ tướng gợi ý.

Thế mạnh thứ ba được Thủ tướng nêu là nắm bắt được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nền kinh tế số. 

“Người Việt thông minh, sáng tạo. Cần đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, nếu không, chúng ta sẽ lạc hậu”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Bộ trưởng KH&ĐT: 10 triệu tỷ đồng tái cơ cấu không phải lấy từ ngân sách là chính

Giải thích con số CP cần 10 triệu tỷ đồng tái cơ cấu nền kinh tế, Bộ trưởng KH&ĐT cho biết nguồn vốn này được cân đối từ nguồn lực chung của đất nước. 

“Phải huy động từ xã hội, huy động các nguồn lực, không phải đặt vấn đề từ ngân sách là chính mà một phần từ ngân sách, chủ yếu là xã hội để tái cơ cấu”, ông Nguyễn Chí Dũng giải thích.

{keywords}

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Theo tính toán của Bộ KH&ĐT, ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 1/3 trong số 10 triệu tỷ đồng cần để tái cơ cấu.


H.Nhì - T.Hằng