Thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí năm 2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính (Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ) đề cập tới tình trạng lãng phí hiện nay ai cũng thấy.

“Nói cần phải tiết kiệm nhưng chúng ta cũng chưa có kỷ luật về tiết kiệm cho chặt chẽ hơn. Tôi nghĩ, chỗ này vừa phải giáo dục, nâng cao nhận thức, vừa phải có thể chế, kỷ luật, kỷ cương mới có thể tiết kiệm một cách hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án chia cắt, manh mún, kéo dài gây lãng phí

Thủ tướng chỉ thực tế ở tỉnh, khi hạch toán ngân sách phải chú ý vấn đề chi cho hoạt động sự nghiệp, sửa sang đường xá hay chi tiêu đi lại, điện nước, xe cộ… có sơ hở, dễ bị tác động theo chiều hướng này, chiều hướng kia.

{keywords}
 Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhắc đến Nghị quyết 45 của Chính phủ về việc tiết kiệm 10% chi tiêu thường xuyên trong những tháng còn lại của năm 2021 để chi cho phòng chống Covid và những đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra, Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phải tính toán ngay từ khi cấp ngân sách và các tỉnh thành tự lực được ngân sách cũng theo tinh thần này.

“Chúng ta nhìn thấy vấn đề dự án kéo dài. Sáng nay, các đồng chí nói rất đúng, trong đánh giá của Chính phủ cũng như thẩm tra của các ủy ban đều khẳng định tình trạng chia cắt, manh mún, kéo dài. Đây là cái lãng phí. Chúng tôi cũng đang suy nghĩ giải pháp. Mình phải kết hợp hài hoà giữa giải pháp “từ dưới lên” và giải pháp “từ trên xuống”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận ngân sách dành cho đầu tư cho phát triển 2,87 triệu tỉ đồng là “chưa thấm vào đâu” so với nhu cầu các địa phương, bộ ngành đưa lên. Trong khi, địa phương thì ai cũng muốn, cũng có nhu cầu.

“Tôi nhớ năm 2011, tôi làm bí thư tỉnh uỷ, cho HĐND rà soát lại, 3.650 dự án mà nguồn cho đầu tư phát triển chỉ có 3.000 tỉ, tức là một dự án chưa được 1 tỉ.  Manh mún, chia cắt, không được cái gì lớn cả”, Thủ tướng dẫn chứng và nhấn mạnh, quan trọng nhất ở đây là lãng phí nguồn lực.

Thủ tướng kể lại thực tế một số tỉnh lên trao đổi về câu chuyện “có những con đường 400- 500 tỉ mà 13 đời bộ trưởng rồi vẫn chưa xong” và lưu ý, lần này nếu bố trí như hiện đang làm thì cũng chưa xong.

Người đứng đầu Chính phủ đặt vấn đề, tại sao đầu tư công của nhiệm kỳ trước bị đảo chiều, Trung ương phải là 56% và 44% địa phương, cuối cùng quyết toán lại thì đảo chiều, Trung ương chỉ gần 44% thôi, địa phương là 56%. Điều này chính là mất cân đối nhưng quan trọng là lãng phí.

“Các đồng chí tưởng tượng dự án cứ kéo dài hàng chục năm, hàng chục năm”, Thủ tướng nói.

Ông cho biết, Chính phủ chỉ đạo rà soát 11.100 dự án của khoá trước và đề xuất tổng hợp lên khoảng hơn 7.000 số đó. Sau đó, Thường trực Chính phủ quyết định là cắt giảm còn dưới 5.000 dự án và còn cắt nữa.

“Mấy ngày nay các ĐBQH phát biểu và chúng tôi có cơ sở để tiếp tục cắt nữa. Đặc biệt là những dự án chưa được phê duyệt. Nếu cứ chia cắt, manh mún thì không làm được cái gì lớn. Cái gì cũng một tí, một tí thì kéo dài, không tạo ra được động lực”, Thủ tướng nhìn nhận.

Đề cập đến giải pháp, theo Thủ tướng, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đồng thời, kiểm soát tiến độ công trình, rà soát dự án đầu tư, đổi mới lãnh đạo chỉ đạo... “Đó là giải pháp để cải tiến được đầu tư chậm trễ, liên quan lãng phí ở chỗ này”, Thủ tướng nêu.

Mít tinh, lễ hội nhiều quá không cần thiết

Ở tổ TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều việc cần quan tâm. Làm sao mỗi nhà, mỗi người, các tổ chức đẩy mạnh tiết kiệm, tuy nhiên kích thích tiêu dùng cũng rất quan trọng.

“Chúng ta hồi trẻ chỉ cần có cái áo lành để mặc chứ đâu có hoa tươi. Bây giờ xã hội thay đổi mình cũng phải thay đổi xu hướng đúng mức, chứ không thể cứ áp dụng kiểu cũ quá không cần thiết, vì kích thích tiêu dùng vẫn quan trọng”, Chủ tịch nước phân tích.

{keywords}
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Ông ví dụ như mít tinh, lễ hội nhiều quá, không cần thiết. Tất nhiên lễ hội văn hóa Việt Nam rất đa dạng, là nguồn lực rất quý báu, nhất là tất cả các dân tộc, anh em làng xã đều có lễ hội lớn. Nhưng có đến mười mấy nghìn lễ hội thì nhiều quá, cần rà soát lại để làm sao hợp lý, tiết kiệm hơn.

Dẫn chứng các công trình dở dang như thép Thái Nguyên, Nhiệt điện Thái Bình 2… với hàng chục nghìn tỷ được đầu tư nhưng thua lỗ kéo dài, hay những dự án quy hoạch treo lãng phí nguồn lực nhà nước rất lớn, Chủ tịch nước mong rằng các ĐBQH đóng góp ý kiến để các báo cáo cụ thể hơn trong các khía cạnh của đời sống nhằm tạo nguồn lực cho đất nước.

Nhắc lại lời cha ông “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống” Thủ tướng cho rằng phải có tích lũy. Muốn như vậy thì tích luỹ chung từ người dân đến từng cấp, từng ngành rất quan trọng. Cần làm gì, ở chỗ nào thì các ý kiến đóng góp thẳng thắn, rút kinh nghiệm cho hệ thống chúng ta.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) cho rằng thực hành tiết kiệm chưa đáp ứng yêu cầu, báo cáo thống kê còn sơ sài, thiếu sót nhiều nội dung quan trọng liên quan đến trách nhiệm cơ quan, đơn vị, dẫn tới kéo dài, bức xúc chưa có nhiều chuyển biến.

“Điều trăn trở nhất là tình trạng lãng phí lớn trong quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia, đặc biệt là tài sản công”, ông Phan Viết Lượng cho biết. 

Thu Hằng - Hồng Nhì - Trần Thường

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc biệt mua sắm vắc xin, thiết bị y tế

Chính phủ đề xuất cơ chế đặc biệt mua sắm vắc xin, thiết bị y tế

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định chưa được luật quy định hoặc khác với quy định của luật để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch.