Tháo rào không phải hết virus

Báo cáo về tác động của đại dịch cũng như việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho biết, tính từ đầu năm đến tháng 8/2021, TP.HCM có 24.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, song con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn doanh nghiệp chưa khai báo.

Người lao động gặp khó khăn do mất việc, không có thu nhập tăng cao, áp lực lên công tác an sinh xã hội. Số người lao động phải rời TP về quê nương nhờ gia đình ước tính vài trăm nghìn người. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch có tâm lý hoảng loạn, sang chấn tâm lý, không muốn quay lại.

Điều này sẽ là khó khăn lớn khi doanh nghiệp sản xuất trở lại, có thể sẽ ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế TP trong thời gian tới.

{keywords}
Người dân từ TP.HCM đổ về các tỉnh thành. Ảnh: Thanh Tùng

Ông Dũng kiến nghị Chính phủ, địa phương công khai chiến lược phòng chống dịch, bộ tiêu chí phòng chống dịch, kịch bản điều hành kinh tế - xã hội tương ứng với các tình huống để doanh nghiệp chủ động điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh.

Nêu tình trạng người lao động tại TP.HCM về quê tự phát, ông Dũng cho rằng việc này ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của doanh nghiệp hiện tại cũng như sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Ông đề nghị Chính phủ và TP.HCM cũng như các tỉnh cần có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi để người lao động có thể quay lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khiến việc giãn cách, phong tỏa diện rộng kéo dài, các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ.

“Lần đầu tiên chúng tôi có câu chuyện ăn, ở, sinh hoạt, sản xuất tại chỗ, phát sinh rất nhiều vấn đề từ chi phí tăng đến chăm lo, ổn định tâm lý người lao động cho đến đứt gãy chuỗi cung ứng do công tác chống dịch của các địa phương liền kề”, bà Chi chia sẻ.

{keywords}
Bà Lý Kim Chi phát biểu.

Nhẹ lòng khi khắp các con đường ngõ hẻm của thành phố đã tháo kẽm gai, chốt chặn, nhịp sống TP đã trở lại, song bà Chi bày tỏ “tháo rào không phải hết virus”, quá trình này vẫn còn nhiều khó khăn nên phải chấp nhận thích ứng từ từ.

Theo bà Chi, việc thay đổi chiến lược chống dịch và khởi động, mở cửa lại nền kinh tế TP.HCM là rất cấp bách. Tuy nhiên, với đặc thù của TP.HCM, nếu xét theo các tiêu chí hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 sẽ rất khó đáp ứng.

Do đó, bà kiến nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành sớm hướng dẫn tạm thời “thích ứng, linh hoạt với Covid”.

Đặc biệt, bà Chi kiến nghị bỏ các quy định hạn chế hoạt động kinh tế, không đóng cửa doanh nghiệp nếu có F0. “Có thì đi chữa bệnh hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp”, bà Chi nói.

Cần thời gian để TP.HCM "phục hồi"

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang Lưu Thị Thanh Mẫu kiến nghị chính quyền TP sớm có chính sách hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại được tiêm vắc xin.

{keywords}
 Các doanh nghiệp tham gia tiếp xúc cử tri.

Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM ví von trong bối cảnh dịch Covid-19, "dòng tiền như oxy" đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các doanh nghiệp không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất bởi quy định ngặt nghèo tại Luật tổ chức tín dụng.

Ông kiến nghị điều chỉnh quy định về việc này bởi đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu doanh nghiệp sụt giảm, lợi nhuận âm, không có tài sản đảm bảo, dự báo khôi phục hoạt động phải trên 2 năm trong khi điều kiện cho vay của ngân hàng thương mại không đổi.

Ngoài ra, ông Việt kiến nghị TP.HCM có chính sách thu hút người lao động ngoại tỉnh quay lại TP vì nếu không làm được việc này, doanh nghiệp đang sức yếu sẽ càng giảm năng suất, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu lao động.

“Việc thu hút người lao động quay lại TP là tiền đề để hồi sinh kinh tế”, ông Việt nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP đã bàn kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi và phát triển kinh tế. Tất cả ngành kinh tế TP đều có bộ tiêu chí an toàn, từng lĩnh vực triển khai phương án thực hiện hiệu quả.

Quan điểm của TP trong Chỉ thị 18 là xem bảo vệ sức khỏe người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế như 2 mặt trận của cuộc chiến phòng chống dịch.

Qua trao đổi với các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp thì lãnh đạo UBND TP cho rằng để phục hồi doanh nghiệp và TP cần có thời gian đủ, không thể hôm nay mở cửa là phục hồi ngay, giống như người bệnh phải có thời gian dưỡng bệnh và sau đó mới có đủ lực để phát triển. Thời gian để phục hồi trở lại trạng thái bình thường như trước khi có dịch có thể là 6 tháng cũng có khi cả năm.

3 nội dung mang tính hiến kế để động viên sức dân, sát với thực tiễn TP.HCM được Phó Chủ tịch TP.HCM nêu ra.

Chính sách hiện nay ban hành chung, khó áp dụng được cho từng nhóm doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp TP có ý kiến nên phân loại từng nhóm doanh nghiệp để có chính sách riêng cho từng nhóm.

Cần có chính sách vĩ mô có tầm chiến lược phải có cái nhìn xa, đảm bảo thời gian cho doanh nghiệp hồi phục. Cuối cùng, lãnh đạo TP kiến nghị mức hỗ trợ.

Hiện nay thế giới xem Covid-19 là trường hợp bất khả kháng, tất cả giao dịch, hoạt động kinh tế quốc tế đều đưa nhận định này vào để bảo vệ doanh nghiệp để tránh trường hợp phá vỡ hợp đồng, phạt nặng và điều đó bất lợi cho doanh nghiệp.

Nên ông Hoan kiến nghị đưa đại dịch là 1 trong những trường hợp bất khả kháng để có thể hỗ trợ mức cao hơn cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lữ hành, lưu trú, kể cả doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn TP được hưởng mức hỗ trợ 100% tiền thuê đất của 2 năm 2021 và 2022. TP đã có báo cáo gửi Bộ Tài chính và Chính phủ.

>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 mới nhất

Trần Thường

Chủ tịch nước: Khó khăn chỉ là tạm thời, những cơ hội kinh tế đang mở ra

Chủ tịch nước: Khó khăn chỉ là tạm thời, những cơ hội kinh tế đang mở ra

Sáng 2/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri chuyên đề với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố theo hình thức trực tuyến.