- HS giỏi nhất xức dầu gió, cứ phương án 1 ho 1 tiếng, phương án 2 ho 2 tiếng - cả hội trường QH cười ồ khi ĐB kể với Bộ trưởng GD về thi trắc nghiệm.

Phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ sáng nay được đánh giá sôi động nhất từ hôm qua đến nay với 48 lượt ĐB chất vấn và tranh luận.

Phương án thi THPT quốc gia nhận được nhiều chất vấn nhất.

Đổi mới thi như lên "sàn chứng khoán"

Theo ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ), việc Bộ GD-ĐT vội vã đưa ra một số chủ trương, chỉ đạo đã gây nhiều tranh cãi đơn cử như thông tư 30 hay VNEN (mô hình trường học mới) làm thay đổi xoành xoạch phương án thi THPT quốc gia.

{keywords}
ĐB Cao Đình Thưởng. Ảnh: VPQH

“Điều này đã đẩy phụ huynh, học sinh như lên sàn chứng khoán mấy năm qua, nay lại thay đổi cách thi rất vội vã, gây lúng túng cho phụ huynh học sinh và cả giáo viên trong việc ôn tập cho học sinh”, ĐB Thưởng nêu.

Ông cho rằng, dư luận đánh giá hình như học sinh đang là công cụ thí nghiệm của Bộ GD-ĐT.

“Bộ trưởng bình luận gì về nhận định này? Bộ trưởng sẽ làm gì trong thời gian tới để tránh hiện tượng giật cục trong việc đổi mới giáo dục”, ĐB Phú Thọ chất vấn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, việc thi 3 môn ghép 1 có tạo áp lực, tuy nhiên có thể chấp nhận được chứ không phải vấn đề lớn.

“Đổi mới phải có lộ trình, chúng ta đang tiến tới hội nhập thì học sinh, giáo viên phải hướng đến sự thay đổi. Chúng ta cứ như cũ thì rất khó đổi mới. Mong ĐB chia sẻ”, Bộ trưởng Nhạ trả lời.

Tư lệnh ngành GD nhìn nhận, đâu đó có chuyện này chuyện kia phải rút kinh nghiệm. Nếu như việc gì cũng tốt, cũng chắc chắn mới làm thì rất khó đổi mới.

“Đổi mới là một quá trình, lộ trình và nguyên tắc là phải làm rõ. Chúng tôi làm từng bước để hoàn thành. Trong quá trình làm chúng tôi tiếp tục lắng nghe ý kiến cử tri, đại biểu để làm tốt hơn”.

Thi trắc nghiệm gây tác dụng ngược?

Trả lời ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) về thi trắc nghiệm và chương trình thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, phương thức thi trắc nghiệm hay tự luận cũng đều có hạn chế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là để kiểm tra kiến thức cơ bản phổ thông, đảm bảo tính toàn diện, chống học tủ, học lệch.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cứ như cũ thì rất khó đổi mới. Ảnh: Hoàng Anh

“Đây cũng là kỳ thi làm căn cứ để xét vào ĐH, CĐ nên chúng tôi đã cân nhắc rất kĩ. Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí thi trắc nghiệm để đánh giá được toàn diện. Nếu tự luận chỉ tập trung được vài vấn đề, học để thi”.

Ông cho biết các câu hỏi trắc nghiệm chuẩn hoá rất kĩ và phương thức thi này đã được chuẩn bị nhiều năm.

Thi trắc nghiệm cũng là kinh nghiệm quốc tế khi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang áp dụng. Các kỳ thi trước mất rất nhiều công sức cho coi thi, chống gian lận, rất tốn kém.

Không phương án nào ưu điểm tuyệt đối

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) giơ biển tranh luận.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Minh Quang

“Bộ trưởng nói hình thức trắc nghiệm ưu việt tuyệt đối, nhưng thực tế tôi thấy ngược lại. Thi trắc nghiệm đã không phát huy được tính chủ động, tính cực của học sinh mà Bộ đã hô hào rất nhiều năm nay”, bà Nga nói.

Bà Nga cho rằng, việc Bộ trưởng nói thi trắc nghiệm có tác dụng trong việc đánh giá học sinh một cách công bằng, tránh gian lận cũng chưa đúng.

“Các cháu học sinh đi thi về nói với tôi rằng chỉ thích thi trắc nghiệm. Vì trong phòng thi sẽ chọn ra 1 bạn học giỏi nhất, sau đó cho xức dầu gió rất nhiều, cứ phương án 1 ho 1 tiếng, phương án 2 ho 2 tiếng nên chỉ cần 1 bạn làm được bài là cả phòng làm được”. Dẫn chứng của bà Nga khiến cả hội trường cười ồ.

{keywords}
Cả hội trường bật cười khi nghe ĐB Việt Nga chất vấn. Ảnh: Minh Quang

Chủ tịch QH Kim Ngân khen câu hỏi tranh luận rất hay và yêu cầu Bộ trưởng GD-ĐT trả lời.

Trả lời ĐB Việt Nga, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thiết kế của Bộ không có chuyện áo trắng, áo vàng, ho hay dầu gió.

“Mỗi em có mã thi riêng, mỗi phòng thi có 25 em, đề khác nhau. Câu hỏi đã có kỹ thuật để chuẩn hóa, chấm bằng máy. Qua kiểm tra thực tế ở ĐH Quốc gia Hà Nội thấy học sinh rất hào hứng, tự giác”, Bộ trưởng trả lời.

Ông cũng nêu: "Trong thời gian dài chúng ta không chú trọng môn Giáo dục công dân, Lịch sử. Bây giờ tôi chỉ đạo là phải đưa vào, năm vừa rồi rất nhiều cháu chọn môn Lịch sử". 

Do đó, đổi mới một môn thi, một bài thi cũng rất cân nhắc, bởi nó ảnh hưởng đến hàng triệu thí sinh. 

"Tuy nhiên, phải khẳng định rằng không có phương án nào có ưu điểm tuyệt đối" - Bộ trưởng khẳng định.

Nhận trách nhiệm để SV ra trường thất nghiệp

Đại biểu Phạm Quang Dũng (Nam Định) nêu vấn đề: "Chúng ta cứ nói rằng cải cách, nhiều năm cải cách mà chất lượng giáo dục vẫn tệ như vậy, thua cả những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Chúng tôi là những người sử dụng lao động, xin thưa Bộ trưởng là bây giờ sinh viên ra trường không viết nổi cái công văn, cái giấy mời. Chúng tôi phải đào tạo lại 3-5 năm sau thì mới tạm được".

Về chất lượng đào tạo, Bộ trưởng nói: "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm, trong nhiều trường hợp là có lỗi trong việc để cho sinh viên ra trường không có việc làm".

T.Hạnh - T.Hằng - H.Nhì - K.Trung