Thảo luận tại phiên họp UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sáng nay (14/7), Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là lĩnh vực khó, phức tạp, trong khi chúng ta ở đây đều là người “ngoại đạo”.

Nhiều trái ngọt nhưng cũng không thiếu trái đắng

"Hoạt động nghệ thuật thời gian qua mang lại rất nhiều trái ngọt nhưng cũng không thiếu trái đắng. Chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo và có cách quản lý thế nào để đảm bảo định hướng phát triển văn hoá của ta", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

{keywords}
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Theo ông, nghệ thuật phản ánh thời cuộc, nghệ thuật vị nhân sinh, nhưng rõ ràng thời gian qua không thiếu hoạt động biểu diễn lệch lạc, không phục vụ cái gì cả, chạy theo cơ chế thị trường, phản ánh méo mó cuộc sống, làm cho những người thụ hưởng, những người có nhận thức tốt cảm thấy đau lòng.

Cũng có biểu diễn nghệ thuật chạy theo thị hiếu, cơ chế thị trường... nên việc ban hành nghị định đi theo hướng tích cực, tăng cường cải cách hành chính, có phân cấp, nhưng cũng phải có nguyên tắc để đảm bảo định hướng thì tôi đồng tình.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc Chính phủ xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội là điều cần thiết, thận trọng và bày tỏ đồng tình cơ bản dự thảo nghị định và ý kiến thẩm tra.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên rà soát thêm, xem lại các quy định của nghị định so với hệ thống pháp luật, nhất là liên quan tới sản xuất kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vì có quy định liên quan tới quyền, nghĩa vụ công dân. Việc này cũng để bảo đảm không có điểm nào xung đột hoặc không phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật.

Theo ông Hiển, dự thảo đưa ra nhiều điều không phải nguyên tắc mà chính là điều cấm nên cần phải làm rõ điều này.

"Ví dụ, biểu diễn chống chế độ thì đây là điều cấm chứ không phải là nguyên tắc. Hay xâm phạm đến văn hoá, tín ngưỡng, thuần phong mỹ tục thì phải là điều cấm. Vì sao cứ phải mày mày tao tao mới là dân tộc. Tôi ở vùng đồng bào dân tộc nhiều năm có thấy họ nói thế đâu. Rất phản cảm.

Hay có những hoạt động gây ảnh hưởng đến hình ảnh của người phụ nữ. Chẳng hạn nói về người phụ nữ tại sao lại cứ phải nói là “chân dài” mà phụ nữ cũng không có phản ứng gì cả. Phải thấy xúc phạm chứ!" Phó Chủ tịch QH lưu ý cần phải có quy định cho chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thi người đẹp có nhiều cấp độ, thi người đẹp để tôn vinh người đẹp, là xu thế văn hóa tốt.

"Vừa qua tôi cho rằng loạn quá. Không cẩn thận trở thành ngành kinh doanh béo bở, vì mục tiêu lợi nhuận, không chính đáng làm méo mó đi hoạt động thi người đẹp, người mẫu. Các đồng chí ngẫm mà xem, gần như không có cuộc thi người đẹp, người mẫu nào mà không có lùm xùm, rất tốn giấy mực trên báo chí", ông nêu thực tế.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn, nếu phân cấp thêm cho các địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện, xã thì thế nào và bày tỏ đồng tình với phương án nên hạn chế số lượng các cuộc thi sắc đẹp trong năm như hiện nay.

"Quan điểm của tôi là đề nghị nên có kiểm soát, không nên phân cấp. Thi người đẹp con người cũng loạn lắm. Chưa kể còn cái khác. Chẳng hạn “hoa hậu bò”, hoa hậu nọ, hoa hậu kia, không biết là thành cái gì. Con bò cũng chụp cho vương miện vào đầu", ông Hiển phản biện và tự hỏi. "hay mình là người lạc hậu quá chăng?".

Tư tưởng, văn hóa không thể hậu kiểm

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng quy định quản lý người Việt Nam đi nước ngoài và người nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn còn rất mờ và đề nghị cần có chế tài chặt chẽ hơn.

"Nghệ thuật đường phố xin phép thế nào, ở phố đi bộ, người mù biểu diễn trên phố, quản lý như thế nào để không nhếch nhác đường phố. Biểu diễn đám cưới nhí nha nhí nhố, sexy lắm. Nhà quê hát karaoke ở nhà, vượt khỏi công suất ảnh hưởng rất nhiều người", Tổng thư ký Quốc hội đề nghị phải có quy định thống nhất về việc này.

Ngoài ra, ông Phúc cũng lưu ý, hiện có nhiều cấp người đẹp thôn, tỉnh, xã, nên quy định cụ thể để tránh tốn kém thời gian, tiền bạc của người dân.

{keywords}
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng các nội dung quy định về biểu diễn, trình diễn thời trang, thi người đẹp người mẫu, ca múa nhạc, sân khấu… tuy thời gian qua có tiến bộ nhưng có những quy định không rõ ràng, không còn phù hợp, có quy định nặng về cấp phép, nặng cơ chế xin cho. 

"Đây là lĩnh vực văn hóa có tác động lớn đến người dân, kể cả quyền hưởng thụ văn hóa nên cần có những quy định mang tính nguyên tắc rõ ràng, tạo sự thống nhất trong quản lý, tạo sự thuận lợi cho các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động đầu tư kinh doanh ở lĩnh vực này", bà Phóng nói.

Một mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc quản lý hoạt động biểu diễn phải rà soát đảm bảo sự thống nhất, quản lý chặt chẽ.

"Mấy chục năm làm luật, tham gia Quốc hội tôi thấy từ "hậu kiểm" chỉ dùng trong hoạt động hải quan thông quan, kiểm toán. Còn lĩnh vực biểu diễn là về tư tưởng, văn hóa mà chúng ta quản lý theo phương thức hậu kiểm thì cần nghiên cứu thêm", bà Phóng nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thận trọng trong việc cắt giảm đơn giản hóa các thủ tục hành chính là cần nhưng đừng ảnh hưởng đến quản lý nhà nước, nhất là liên quan đến người nước ngoài, quản lý người Việt Nam ở nước ngoài biểu diễn.

Thu Hằng 

Thí sinh thi hoa hậu phải có tiêu chuẩn về đạo đức

Thí sinh thi hoa hậu phải có tiêu chuẩn về đạo đức

UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu.