- Các đại biểu QH hôm nay thảo luận về dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015.

Dẫn chứng câu chuyện Trịnh Xuân Thanh, ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng dù trong luật đã quy định một số tội liên quan đến lạm dụng chức vụ trong quản lý nhưng chưa có điều khoản nào quy định về tội cố ý làm trái các quy định về tuyển dụng công chức, cán bộ.

{keywords}

ĐB Thái Trường Giang. Ảnh: VPQH

“Tôi đề nghị bổ sung tội danh cố ý làm trái quy định về tuyển dụng cán bộ, công chức nhằm răn đe, trừng trị đối với nhóm hành vi nguy hiểm này”- ông Giang đề xuất.

Tranh cãi phạt nặng trẻ vị thành niên

Trong suốt 1 ngày thảo luận, ý kiến được nhiều ĐB phát biểu, tranh luận là có nên tăng nặng hình phạt ở một số tội với nhóm trẻ vị thành niên từ 14 đến dưới 16 tuổi.

Phó Chủ nhiệm UB VH-GD-TTN và nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết đề nghị xem xét lại quy định “không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thuộc loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng.

Ông Tuyết cho rằng, thời gian qua các hành vi này trong nhóm tuổi vị thành niên có xu hướng gia tăng, do đó cần xử lý hình sự để tạo tính phòng ngừa, răn đe.

{keywords}

Phó Chủ nhiệm UB VH-GD-TTN và nhi đồng Nguyễn Văn Tuyết. Ảnh: VPQH

Đồng quan điểm, Phó giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu Lê Tấn Tới dẫn thực tế, thời gian qua xảy ra nhiều vụ hiếp dâm trẻ em nữ, cố ý gây thương tích do nhóm trẻ vị thành niên gây ra, gây hậu quả rất lớn.

Theo ông Tới, điều 40 Công ước Liên Hợp Quốc đã quy định các quốc gia thành viên quy định độ tuổi tối thiểu không có khả năng vi phạm pháp luật, Việt Nam đã xác định dưới 14 tuổi. Do đó không trái với Công ước.

Đứng trên góc độ nhân đạo, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu quan điểm không nên xử lý hình sự đối với nhóm vị thành niên khi phạm các tội trên.

Ông Tám cho rằng quan điểm nhân đạo trong xử lý tội phạm vị thành niên đã thể hiện nhất quán trong quá trình xây dựng pháp luật từ trước tới nay, phù hợp với thông lệ quốc tế.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Nghệ An) cũng nhấn mạnh việc trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật có phần trách nhiệm của gia đình, nhà trường, khi có tới 45% trẻ phạm tội do bố mẹ chỉ biết kiếm tiền mà không quan tâm đến con.

“Có bé gái chỉ vì câu like trên facebook mà sẵn sàng mang xăng để đốt trường. Không phải bản thân trẻ có thể làm chủ được hành vi của mình”, bà Hoa nói .

Báo cáo giải trình về dự án luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng độ tuổi 14 đến dưới 16 ở các nước cũng xử lý theo cách đặc biệt.

“Tại Trung Quốc, nhóm này chỉ chịu 9/347 tội danh, tại Nga 20/256 tội. Như vậy thực tiễn các nước cũng rút bớt các tội phải chịu”, Bộ trưởng nói và cho rằng dùng hình sự chưa chắc đã tốt, cái xấu ngấm rất nhanh, do đó nên giữ nguyên như dự thảo.

Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đánh giá, đây là bộ luật lớn, liên quan trực tiếp đến quyền con người của công dân nên ĐBQH phải làm rất kĩ, rất thận trọng.

Có ý kiến đề nghị cứ xem xét, khi nào tốt thì trình. Tuy nhiên Phó chủ tịch QH cho rằng cần phải xác định mốc thời gian, không thể kéo dài mãi được vì còn liên quan đến luật Tố tụng hình sự, Điều tra hình sự, luật Tạm giữ, tạm giam nên phải thông qua trong kỳ họp sau, thay vì biểu quyết thông qua vào ngày 23/10 tới như kế hoạch ban đầu.

Đề nghị tù chung thân, tử hình khi vi phạm ATTP

ĐB Đinh Thị Bình (Phú Thọ) cho rằng quy định phạt tù 12-20 năm khi vi phạm quy định an toàn thực phẩm (ATTP) làm chết 3 người trở lên là quá nhẹ.

“Giả sử 1 nhà máy dùng chất cấm trong thực phẩm làm hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người chết thì truy cứu trách nhiệm như thế nào?”, bà Bình đặt câu hỏi và cho rằng Trung Quốc đã từng xảy ra trường hợp này và Việt Nam cũng có thể gặp vì ATTP hiện rất nhức nhối.

Bà cho rằng phạt vậy sẽ không công bằng với các tội khác và không đủ sức răn đe, thay vào đó nên áp khung chung thân hoặc tử hình như một số nước áp dụng.

Thúy Hạnh