Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sáng nay, ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nêu tình trạng nhập vào rồi lại tách ra không phải hiếm ở Việt Nam.

Vừa qua, khi triển khai nghị quyết 18 của TƯ, 11 địa phương được quyết định thí điểm triển khai sáp nhập 3 văn phòng HĐND, UBND và đoàn ĐBQH thành 1 văn phòng chung.

Theo ông, không ít ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri cho rằng việc sáp nhập này không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn, có thể làm giảm vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử ở Việt Nam.

“Với vai trò là tư lệnh ngành, tham mưu cho Đảng và nhà nước về tổ chức bộ máy, Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về vấn đề này. Theo Bộ trưởng, việc sáp nhập này có thực sự làm tăng hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước không?”, ĐB Hùng hỏi.

{keywords}
 ĐB Phùng Văn Hùng: Cử tri cho rằng việc sáp nhập này có thể làm giảm vai trò, chức năng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử 

Mong các đại biểu thông cảm

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, cuối năm 2017, Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng dự thảo sửa đổi, thay thế 2 Nghị định: 24 và 37 về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Trong quá trình đó, TƯ có kết luận về vấn đề hướng dẫn tổ chức thực hiện sắp xếp các cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh, cấp huyện.

“Do đó chúng tôi dừng lại và thực hiện theo kết luận của Bộ Chính trị và đã trình Chính phủ. Báo cáo với các đại biểu từ xưa đến giờ chưa có nghị định nào trình Chính phủ thông qua 2 kỳ họp Chính phủ”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông kể thêm, Thường trực Chính phủ họp 3 lần, lãnh đạo Chính phủ họp 3 lần; Ban cán sự Đảng Chính phủ họp 1 lần.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau của một số đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Chính phủ. Vì vậy, Thủ tướng cũng lưu ý rất cân nhắc về vấn đề này.

Cuộc họp Chính phủ lần thứ 2, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thông báo tạm dừng việc sáp nhập đối với các cơ quan hành chính để chờ Nghị định của Thủ tướng.

“Xin báo cáo trước QH, ban cán sự Đảng Chính phủ đã thống nhất, chúng ta không  thay thế Nghị định này mà chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 3 việc.

Một là xin phép Bộ Chính trị chưa thực hiện khung cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện tạm thời sử dụng khung chuyên môn trong Nghị định 34 của Nghị định 27 như hiện hành, bởi việc này đang làm thí điểm, chưa có quy định.

{keywords}
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Mong các đại biểu thông cảm vì đi từng bước, chậm mà chắc

Thứ 2, các quy định khung bình quân số lượng cấp phó.

Thứ 3, xây dựng tiêu chí thành lập đối với các sở cấp phòng đặc thù và xây dựng tiêu chí thành lập đối với cơ quan bên trong của cấp sở.

Chính phủ sẽ có 1 nghị quyết về thí điểm để thực hiện trên tinh thần Nghị quyết của QH về việc hợp nhất 3 Văn phòng theo tinh thần kết luận 34 của Bộ Chính trị và thí điểm hợp nhất các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng, cơ quan nhà nước”, tư lệnh ngành nội vụ cho hay.

Sau đó, luật tổ chức chính quyền địa phương, luật Tổ chức Chính phủ có hiệu lực thì đồng thời với việc xây dựng về Nghị định quy định về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ, cơ quan tham mưu cấp tỉnh, cấp huyện.

Ông cũng cho biết, Thủ tướng rất băn khoăn vấn đề này, phải xem tách rõ chức năng, nhiệm vụ để liên thông giải quyết thủ tục hành chính, vừa giảm bớt phiền hà vừa nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước.

“Do đó, việc này cũng mong các đại biểu thông cảm, chậm có lý do vì chúng ta đi từng bước, chậm mà chắc”, ông Tân nhấn mạnh.

Về thí điểm sáp nhập giữa các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và cơ quan Nhà nước, theo ông Tân, đến nay đã có 2 tỉnh, 50 huyện sáp nhập về các cơ quan tham mưu và 40 huyện sáp nhập 3 văn phòng.

Chính sách cho cán bộ dôi dư

Cũng liên quan đến sắp xếp bộ máy, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về việc sắp xếp cán bộ dôi dư.

{keywords}
ĐB Triệu Thanh Dung: Tỉnh khó khăn được hỗ trợ cho công chức dôi dư như thế nào?

“Đối với những tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách, không có nguồn hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư thì có được TƯ hỗ trợ không và nếu có sẽ hỗ trợ như thế nào?”, ĐB hỏi.

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, cố gắng từ nay đến cuối năm 2019 cơ bản sẽ sắp xếp xong 10 huyện, 631 xã của 45 tỉnh.

“Quốc hội yên tâm chúng tôi sẽ làm tối đa, quyết liệt, nhưng đề nghị lãnh đạo đoàn ĐBQH các tỉnh đôn đốc UBND cấp tỉnh cố gắng hoàn chỉnh sau khi thẩm định cho nhanh. Nếu các đồng chí chậm thì lên đây chúng tôi trình Chính phủ rất chậm”, Bộ trưởng gửi gắm.

Để giải quyết vấn đề biên chế dôi dư trong việc sắp xếp, các văn bản của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nói rất rõ, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Cụ thể, đối với công chức, chúng ta cố gắng duy trì trong vòng 5 năm để thực hiện tinh giản. Sau 5 năm, số lượng biên chế được sáp nhập lại y như ban đầu đối với từng loại đơn vị hành chính.

Về chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, thực hiện theo Nghị định 113, Nghị định 108 của Chính phủ; chính sách theo Nghị định 26 của Chính phủ về những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để tái cử; chính sách thôi việc", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bộ trưởng Nội Vụ cũng cho biết, việc thực hiện chuyển cán bộ từ xã thừa qua những xã khác còn thiếu.

“Chúng ta thực hiện việc liên thông, tiếp nhận cán bộ, công chức của xã đủ tiêu chuẩn điều kiện lên làm công chức cấp huyện, hạn chế thêm mới công chức cấp huyện khi tuyển dụng mới, ông Lê Vĩnh Tân nói.

Thu Hằng - Trần Thường - Hương Quỳnh

Ảnh: Minh Đạt

Sáp nhập huyện xã: Gần 5.000 người chưa biết đi đâu về đâu

Sáp nhập huyện xã: Gần 5.000 người chưa biết đi đâu về đâu

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký báo cáo gửi ĐBQH về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành để chuẩn bị trả lời chất vấn hôm nay.