- Tiêu thụ sản phẩm là mệnh lệnh sản xuất nhưng tập trung chưa cao. Ai cũng hô nhưng làm bài bản, căn cơ là chưa rõ, ông Võ Kim Cự đánh giá.

Phát biểu thảo luận tại QH về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Võ Kim Cự cho rằng việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cấp bách, cần có chiến lược lâu dài.

Tuy nhiên Chủ tịch Liên minh HTX cho rằng, việc tái cơ cấu nông nghiệp còn đang bế tắc ở 3 vấn đề.

Trong đó việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường - một mệnh lệnh sản xuất chưa được tập trung cao.

“Còn có sự phân tán giữa các ngành và địa phương. Ai cũng hô làm nhưng làm cho bài bản, căn cơ là chưa rõ”, ông Cự đánh giá.

Ông cũng trăn trở khi khoa học kỹ thuật nói đã ưu tiên nhưng thực tế vẫn chưa đúng mức, đúng tầm, đặc biệt trong việc tạo giống và chế biến sâu.

{keywords}
Ông Võ Kim Cự. Ảnh: VPQH

Thứ ba, ông Cự cho rằng hình thái tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, tự cung tự cấp. Hiện chỉ có 1% doanh nghiệp trong nông nghiệp có hình thức thương mại.

Ông đề nghị cần phải điều chỉnh quy hoạch sản phẩm chủ lực theo vùng, liên vùng để tạo ra vùng nguyên liệu chế biến chung, dùng chung được hạ tầng cảng, sân bay, nước sâu... Từ đó đầu tư tập trung tạo ra sản phẩm chủ lực.

Thu 4.000 tỉ, xây dựng nông thôn 15.000 tỉ

So sánh giữa chi phí đầu tư và kết quả xây dựng nông thôn mới, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) nhận định vẫn chưa tương xứng, có hệ luỵ nghiêm trọng, lâu dài mà nhiều xã, nhiều gia đình nông thôn, đặc biệt các hộ nghèo phải gánh chịu.

“Cần phải điều tra, công bố đầy đủ tình trạng nợ của các xã, số hộ nông dân bị huy động quá sức lâm vào tình trạng phá sản. Phải đánh giá việc chi tiêu ngân sách cho chương trình này, cũng như tác động của nó đến tình trạng ngân sách chung”, ĐB Tuấn Anh kiến nghị.

Ông cũng đặt câu hỏi có hay không tình trạng xây dựng nông thôn mới theo phong trào, nặng hình thức, trong khi ngân sách quá sức.

“Tại Bình Phước, mỗi đề án xây dựng xã nông thôn mới là 175 tỉ đồng. Cả tỉnh có 100 xã, số tiền cần đến 2025 là 175.000 tỉ. Tính trung bình mỗi năm tỉnh phải chi 15.000 tỉ trong khi ngân sách chỉ thu được khoảng 4.000 tỉ đồng”, ĐB dẫn chứng.

Nước nhiều khẩu hiệu nhất thế giới

Cùng nỗi lo, Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương nêu con số, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới hết 2015 chỉ 17,1% nhưng 10 tháng sau tăng vọt lên 23%.

“Liệu có chạy thành tích ở đây không?” ông Cương đặt câu hỏi và cho rằng thực tế còn đánh giá xuê xoa, nợ tiêu chí chưa biết bao giờ trả được.

{keywords}
ĐB Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: VPQH

“Thậm chí vì chạy theo thành tích, trước sức ép hoàn thành các tiêu chí, nhiều địa phương bị sa lầy trong nợ đọng cơ bản, có tỉnh nợ tới 1.000 tỉ đồng”, ĐB Sỹ Cương nêu.

Ông cũng chỉ ra bất cập khi có dấu hiệu thiếu minh bạch trong xây dựng nông thông mới, có trạm y tế đầu tư 500 triệu đồng nhưng vẫn nằm bất động hay hố chứa rác gần 1 tỉ đồng trong khi người dân nói chỉ cần 200 triệu...

Chưa kể tình trạng lãng phí, đâu đâu cũng xây nhà văn hoá, khu thể thao rồi... bỏ xó vì xây cho đủ tiêu chí.

“Một ví dụ về lãng phí. Tôi đi qua nhiều nơi, không hiểu sao nhiều pano, khẩu hiệu đến thế. Một số địa phương dọc tỉnh lộ, quốc lộ, khẩu hiệu hộp cứng, bìa nhôm đặt san sát nhiều cây số. Vẫn biết Việt Nam là nước nhiều khẩu hiệu nhất thế giới, nhưng để phục vụ công tác tuyên truyền có cần nhiều khẩu hiệu đến thế không?”, ông Cương nêu và cho rằng kinh phí này thực chất lấy từ ngân sách và từ túi người dân.

Vì lẽ đó dù đạt nông thôn mới nhưng người dân một số nơi vẫn không vui.

Ông kiến nghị cần xác định rõ mục tiêu phấn đấu cho từng giai đoạn. Trong đó giai đoạn đầu tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, giai đoạn sau nên chú trọng tiêu chí mềm như cải thiện thu nhập, trường lớp...

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Hồng Thanh cho biết, 5 năm qua, cả nước đã huy động hơn 851.000 tỉ đồng đầu tư cho xây nông thôn mới.

Trong đó ngân sách nhà nước gần 267.000 tỉ đồng, vốn tín dụng gần 435.000 tỉ đồng, huy động từ doanh nghiệp trên 42.000 tỉ đồng,người dân và cộng đồng đóng góp là gần 110.000 tỉ đồng.

Hiện 40,7%, tương đương 3.600 xã có nợ đọng xây dựng nông thôn mới với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỉ đồng/xã). 

Thúy Hạnh