- Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga đặt ra một loạt vấn đề trong bồi thường oan sai khi thảo luật dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước sửa đổi sáng nay.

Trình dự thảo luật trước UB Thường vụ QH, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết sau 6 năm thi hành, đã có 258 vụ việc, trong đó đã giải quyết xong 204 vụ việc.

Theo báo cáo kết quả giám sát của UB Thường vụ QH, riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trong 3 năm 2011-2014, còn xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết.

{keywords}

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long

Đem luật này ra sửa, cơ quan soạn thảo muốn xin ý kiến về các vấn đề: phạm vi trách nhiệm bồi thường, mô hình cơ quan giải quyết bồi thường, căn cứ yêu cầu bồi thường, nguyên tắc giải quyết bồi thường, kinh phí bồi thường...

Nhận định đây là luật vô cùng khó, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh phải đảm bảo cân đối: quy định quá hẹp thì ảnh hưởng tới quyền công dân, nếu mở quá thì làm chùn tay các cơ quan tố tụng trong đấu tranh chống tội phạm.

{keywords}

Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga

Bà Nga chỉ ra một số thực trạng mà luật cần giải quyết: Một là, qua một số trường hợp bồi thường nổi cộm như Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang)..., cho thấy phạm vi các trường hợp được bồi thường chưa đảm bảo, dẫn tới việc lẽ phải ra được bồi thường theo đánh giá số đông thì luật lại giới hạn.

Hai là mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn xảy ra tình trạng thiếu khách quan, chậm trễ: Làm oan trong thời gian dài nhưng chỉ xin lỗi công khai trong 2 phút, khiến dư luận phản ứng, cho là hình thức, chiếu lệ.

Thứ ba, trình tự thủ tục và các điều kiện yêu cầu bồi thường quá chặt chẽ: Trong các vụ Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Văn Chấn..., UB Tư pháp đều phải có công văn hoặc trao đổi trực tiếp để tránh máy móc, cứng nhắc, như muốn bồi thường phải chứng minh chi phí, trong khi đi tù từng ấy năm thì các chứng từ thăm nuôi lấy ở đâu ra...

"Ngoài ra, người dân cũng bức xúc về số tiền bồi thường mà ngân sách phải bỏ ra khá lớn, mỗi vụ mười mấy tỷ đồng, trong khi trách nhiệm bồi hoàn của người làm ra oan sai thế nào?", bà Lê Thị Nga đặt vấn đề.

Bộ trưởng Lê Thành Long thực lòng không dám hứa vì theo ông, giải quyết các vướng mắc trong bồi thường oan sai thì không chỉ luật này mà còn nhiều luật khác nữa. "Người làm luật có tâm, những gì làm được thì đều đưa vào luật, nhưng thực tế thi hành vẫn còn khoảng cách", ông Long nói.

Bộ trưởng Tư pháp cho biết dự thảo luật sửa đổi cố gắng liệt kê tất cả các trường hợp cần bồi thường, tất cả các thiệt hại về vật chất và tinh thần, có công thức, tiêu chí để lượng hóa..., cũng như tiếp tục bổ sung từ các kiến nghị từ thực tế.

Riêng trách nhiệm bồi hoàn của người gây ra oan sai, ông Lê Thành Long nhấn mạnh: Tất cả công chức gây thiệt hại phải bồi hoàn, luật làm thế nào để họ phải bỏ tiền bồi thường cho thiệt hại mình gây ra nhưng không quá kinh khủng đến mức họ không dám làm gì nữa.

Khó xác định thiệt hại về tinh thần

Phó chánh án Tòa án NDTC Tống Anh Hào trao đổi: Vướng mắc trong bồi thường có hai việc, thứ nhất là xác định trách nhiệm bồi thường là của cơ quan nào, là tòa sơ thẩm hay phúc thẩm, hay cơ quan điều tra...

{keywords}

Phó chánh án Tòa án NDTC Tống Anh Hào

Hai là xác định thiệt hại để bồi thường, mà chủ yếu là do thời gian cung cấp tài liệu chứng minh thất thiệt. Trong các vụ của ông Chấn, ông Nén, ông Tống Anh Hào khẳng định quan điểm của Tòa án NDTC là bồi thường ngay, đúng pháp luật, nhưng cái khó là người bị thiệt hại chứng minh thiệt hại của mình bằng các chứng từ không đảm bảo thời gian.

Theo Phó chánh án Tòa án NDTC, chứng minh thiệt hại về vật chất như tài sản, thu nhập đã khó, chứng minh thiệt hại về tinh thần còn khó hơn.

Phó Viện trưởng VKS NDTC Lê Hữu Thể cũng chia sẻ cảm giác "xấu hổ khi phải cò kè bớt một thêm hai" trong tính toán bồi thường oan sai, do đó đề nghị có barem tính chuẩn như tính công tác phí để làm căn cứ.

{keywords}

Phó viện trưởng VKS NDTC Lê Hữu Thể

Trao đổi lại, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng băn khoăn về trách nhiệm phục hồi danh dự cho người bị xác định là oan sai như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thì lưu ý các vụ án oan sai thường xảy ra cách đây hàng chục năm rồi, những người làm tổ tụng ngày xưa đều đã về hưu, vậy ai chịu trách nhiệm, người bị thiệt hại có thể khiếu nại, khởi kiện không.

Chủ tịch HĐ Dân tộc Hà Ngọc Chiến kiến nghị luật phải bao quát cả những trường hợp như nổ súng gây chết người, hay tử hình rồi mới phát hiện oan sai..., dù đó là những trường hợp không mong muốn.

Kết luận, UB Thường vụ QH yêu cầu cơ quan soạn thảo đánh giá sâu sắc toàn diện hơn công tác bồi thường trong 6 năm qua, hoàn thiện tính khả thi của dự án luật để trình ra QH tại kỳ họp thứ hai và thông qua tại kỳ họp thứ ba.

Chung Hoàng - Ảnh: Quochoi.vn