Sáng nay, QH thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện làm nát vốn, đội vốn

ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đánh giá chất lượng quy hoạch đô thị còn thấp, vẫn hiển hiện quy hoạch kiểu tư duy nhiệm kỳ, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, bị nhà đầu tư chi phối, dẫn dắt làm thay đổi quy hoạch, thậm chí làm nát quy hoạch ban đầu.

{keywords}
ĐB Đinh Duy Vượt. Ảnh: Minh Đạt

Ông Vượt cho hay, tỷ lệ quy hoạch chi tiết chỉ khoảng 37% diện tích đất xây dựng đô thị nhưng lại tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ và chi tiết khá phổ biến, gây ra hệ luỵ hiệu ứng tiêu cực, thậm chí rất tiêu cực.

Dẫn báo cáo con số cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần, ĐB Vượt cho hay, quy hoạch bị điều chỉnh luôn luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các tiện ích công cộng và cho người sử dụng…

Những vấn đề trên đã và đang gây hệ luỵ tổn thất về kinh tế, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa là ngập, quá tải điện nước.

“Điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện chính là làm nát quy hoạch, dẫn đến nát vốn, đội vốn, chậm vốn, lãng phí, thất thu ngân sách…”, ông Vượt bức xúc nói.

ĐB nêu mong muốn của cử tri là trụ sở cũ của các cơ quan khi di dời sẽ trở thành vườn hoa, công viên, công trình công cộng tiện ích, chứ không phải “nhìn thấy các toà chung cư cao ngút trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó”.

Ông đề nghị QH, Chính phủ chỉ đạo thắt chặt kỷ cương trong quy hoạch và quản lý quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng các vi phạm.

ĐB cũng cho rằng, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra vẫn phức tạp, khó kiểm soát. Ông nêu thực trạng hiện nay có nhiều tỷ phú từ đất, ôm nhiều quỹ đất vàng, đất kim cương tại các khu đô thị.

“Cử tri vẫn dấy lên mối hoài nghi có hay không lợi ích sân trước, sân sau, cùng cộng sinh giữa những quan chức có thẩm quyền.

Đó là lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án thay cho đấu giá quyền sử dụng đất.

Đồng thời lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hoá DN rồi cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất… làm thiệt hại lớn đến lợi ích của nhà nước, nhân dân”, ĐB Vượt nói.

Ông đề nghị QH, Chính phủ kịp thời lưu ý, thu hẹp định giá đất, mở rộng đối tượng được thuê đất, có chế tài xử lý nghiêm bất kể các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm.

Có biểu hiện ưu ái sân sau của người có thẩm quyền

ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cũng nhận định, việc điều chỉnh quy hoạch là vì nhóm lợi ích.

Theo ông, báo cáo kiểm toán, thanh tra và giám sát chưa chỉ ra điều chỉnh quy hoạch nào do lợi ích nhóm để kiến nghị xử lý, dù 5 năm qua hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn ha đất bị thu hồi và cán bộ bị xử lý.

{keywords}
ĐB Mai Sỹ Diến. Ảnh: Minh Đạt

“Trong cùng địa phương, cùng thời điểm áp dụng phương pháp xác định giá đất khác nhau, đồng nghĩa địa phương chọn phương pháp có lợi cho mình, tốt cho 1 nhóm lợi ích. Người trong cuộc vô can, ngân sách nhà nước thất thu hàng năm”, ông Diến nêu.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh việc có biểu hiện ưu ái sân sau của người có thẩm quyền và thiếu trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Ông kiến nghị QH giao Chính phủ khẩn trương xây dựng văn bản pháp luật tạo hành lang trong quản lý, sử dụng đất ở đô thị; bịt kẽ hở, ngăn tham nhũng.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị với các sai phạm được phát hiện qua thanh tra, ngoài xử lý nghiêm công chức, cơ quan nhà nước vi phạm cũng cần phải xử lý tương xứng đối với các doanh nghiệp, chủ đầu tư.

“Không thể vỗ tay bằng một bàn tay. Sai phạm không thể xảy ra nếu như không có sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ đầu tư.”, ông Hàm nêu ý kiến.

Trình bày báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất ở đô thị (2013 - 2018), Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh điểm nhiều dự án điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích người dân.

Dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) được nhắc tới như một điển hình của sai phạm trong xây dựng, khi chủ đầu tư không làm theo giấy phép xây dựng, không giật cấp ở một số tầng, mà tự ý tăng chiều cao các tầng.

Hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1- 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại...

Hiện tượng tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội, TP.HCM là dẫn chứng điển hình cho sự thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa quy hoạch xây dựng đô thị với hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 9%, đất bãi đỗ xe trên đất xây dựng đô thị dưới 1%...

Buông lỏng quản 'đất vàng', Chủ tịch Quảng Ngãi bị kiến nghị kiểm điểm

Buông lỏng quản 'đất vàng', Chủ tịch Quảng Ngãi bị kiến nghị kiểm điểm

Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực 3 có báo cáo kiểm toán việc quản lý sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2017 ở Quảng Ngãi. KTNN kiến nghị UBND tỉnh kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Chủ tịch tỉnh...

Hương Quỳnh - Thu Hằng