Chiều nay, UB Các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự án bộ luật Lao động sửa đổi trước khi kỳ họp QH khai mạc vào ngày mai.

Thứ trưởng LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong quá trình lấy ý kiến có một số vấn đề lớn đang nhận được sự quan tâm, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu.

Có quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm

Cụ thể, Chính phủ trình 2 phương án để QH xem xét, cho ý kiến.

{keywords}
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tại phiên họp

Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng với nam và 55 tuổi 6 tháng với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng với nam và 6 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả 2 phương án đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn: Đến năm 2026 nam đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ).

Thứ trưởng Diệp cho biết, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi hưu.

Theo đại diện cơ quan thẩm tra, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết 28 của TƯ khóa 12.

{keywords}
 

Theo ông, bộ luật Lao động hiện hành không quy định người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm so với quy định. Lần sửa đổi này quy định người lao động có quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn 5 năm, tuỳ từng nhóm lao động.

“Đây là chế định quan trọng liên quan đến lợi ích của người lao động”, ông Lợi lưu ý.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực đối với thị trường lao động khi ghi nhận “quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”, cũng như định liệu phản ứng của dư luận xã hội để có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán.

Ngoài ra, UB Các vấn đề xã hội cũng lưu ý, Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam và 60 đối với nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ 2 tuổi từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất...

Xét ngành nghề đặc thù, không đưa cứng vào luật

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị phải để cho phụ nữ có cơ hội lao động ở tuổi cao hơn và nghỉ hưu muộn hơn, việc mở rộng tuổi nghỉ hưu rất cần thiết, đó là cơ hội để họ đóng góp thêm.

"Nếu không có cơ hội cho những người có trình độ cao đóng góp thêm thì kéo theo nhiều câu chuyện. Ví dụ, vì trần tuổi nghỉ hưu nên hiện nay ở các tỉnh thành, nhiều cán bộ nữ mới 45 tuổi gần như ra khỏi quy hoạch. Vì theo quy định ít nhất phải tham gia 2 nhiệm kỳ", bà Hà dẫn chứng.

{keywords}
Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà

Tuy nhiên, theo bà đó chỉ là một nhóm. Còn một nhóm chiếm số đông ở một số ngành như cô giáo mầm non, hầu hết muốn nghỉ hưu sớm, nên cho họ quyền ưu tiên được nghỉ sớm hơn.

Theo bà Hà, việc này đặt Chính phủ bài toán khó hơn, chi tiết hơn và cần có nhiều văn bản hướng dẫn đi theo nhưng cần thiết đặt ra.

ĐB Ngô Trung Thành, UB Pháp luật thắc mắc cơ sở nào để tăng tuổi hưu giữa nam và nữ chênh 2 tuổi.

"Cần có đánh giá kỹ càng hơn, sâu sắc hơn; đánh giá tác động các ngành nghề sử dụng lao động. Mối quan hệ giữa tăng tuổi nghỉ hưu với BHXH, bảo hiểm hưu trí", ông Thành đề nghị.

{keywords}
ĐB Ngô Trung Thành, UB Pháp luật


Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cũng bày tỏ băn khoăn khi đưa việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ở tất cả ngành nghề vào bộ luật này vì quan điểm đây là luật gốc.

"Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của 2 triệu cán bộ công chức có cần nằm trong bộ luật này không? Tại sao không quy định việc này vào luật chuyên ngành, không đưa vào những đối tượng đặc thù như cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, quân đội. Còn bộ luật này chỉ nên quy định tuổi nghỉ hưu đối với người lao động còn lại trong xã hội", ông Phong góp ý.

Theo ông, cần tính toán kỹ yếu tố đặc thù của từng ngành nghề. Ví dụ như ngành mầm non đến 40 - 45 tuổi, các cô khó múa hát để dạy các cháu. Hay như ngành nghể dục thể thao 30 - 35 là hết tuổi...

"Phải tính toán tuổi nghỉ hưu theo đặc thù của họ, không nên đưa cứng như vậy và cho đây là bộ luật gốc. Người lao động họ cứ nghĩ tuổi hưu tăng lên 60 - 62 tuổi họ lại phản ứng", ông Phong lưu ý.

Nguyên Thứ trưởng: Tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo tôi hơi lo

Nguyên Thứ trưởng: Tăng tuổi nghỉ hưu như dự thảo tôi hơi lo

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân lo ngại: Dự thảo tăng tuổi hưu như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Thu Hằng