Thảo luận trực tuyến về dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội sáng nay, ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đồng tình với số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất 40%. Điều này để tăng tính chuyên nghiệp và nâng cao hiệu lực hiệu quả.

ĐB Sơn cùng các ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn), Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) kiến nghị cần nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ khoảng 3 - 5% cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đủ sức khoẻ, năng lực công tác, có trí tuệ, uy tín và bản lĩnh để có thể tham gia ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của QH, các đoàn ĐBQH.

{keywords}
ĐB Nguyễn Sơn

ĐB Nguyễn Quốc Hận nêu nhiều lý do cho việc nên có chính sách thu hút các cán bộ công chức, viên chức có năng lực, trí tuệ sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khoẻ tham gia ĐBQH chuyên trách.

Theo ông Hận, trí tuệ là tài sản quý giá, được trau dồi tôi luyện suốt quá trình hoạt động của mỗi cá nhân nên cần được trân trọng và sử dụng một cách có hiệu quả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tình trạng sức khoẻ của nhân dân ta ngày càng mạnh khoẻ hơn, sống thọ, sáng suốt hơn.

Ngoài ra, ông Hận cho rằng do tuổi tác nên các cán bộ này chín chắn hơn, không ngại va chạm, dám nói thẳng nói thật. Vì vậy, việc thu hút các cán bộ này là cần thiết.

Tuy nhiên ĐB lưu ý phải có giới hạn số lượng, cơ cấu lựa chọn minh bạch để hạn chế thấp nhất mặt trái của vấn đề.

Đại biểu Quốc hội không quá 60 tuổi

Từ điểm cầu Đồng Tháp, ĐB Phạm Văn Hòa đề xuất nghiên cứu giảm ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở cơ quan hành pháp, công an, quân đội.

Đồng thời tăng ĐB chuyên trách ở TƯ và địa phương, có tỷ lệ cần thiết tối đa 5% cho chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có kinh nghiệm hoạt động ĐB sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe năng lực mà không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.

Một đề xuất khác cũng được ĐB Hoà đưa ra, đó là tuổi của ĐBQH không quá 60 để đảm bảo sức khỏe hoạt động đủ một nhiệm kỳ tới 65 tuổi.

{keywords}
ĐB Phạm Văn Hòa

Giơ biển tranh luận, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, việc tăng ĐB chuyên trách là các chuyên gia thì không đúng.

“ĐBQH là chính trị gia, phải nắm chắc nguyên lý vận hành và thiết chế quyền lực của Nhà nước, các nguyên lý vận hành của thể chế xã hội để khởi xướng chính sách.

Nếu ĐBQH là chuyên gia am hiểu sâu về từng lĩnh vực cụ thể, không đúng nguyên lý vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất QH”, ông Vân nêu lý do.

ĐB nói thêm, hạt nhân hoạt động của QH chính là ĐBQH. QH đang chuyển từ hoạt động hình thức sang thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho ĐB, trước hết là năng lực pháp lý, các điều kiện đảm bảo hoạt động. Trong đó đáng chú ý là năng lực lập pháp, quyền trình dự án luật, quyền sáng kiến pháp luật.

Về tính chuyên nghiệp của ĐBQH, ĐB Vân cho rằng dù 100% ĐB là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động QH cũng không đảm bảo được thực chất. Theo ông, xây dựng cơ cấu QH làm sao phải ổn định.

Làm rõ các ý kiến, Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho hay, tỷ lệ ĐB là chuyên gia, nhà khoa học cũng giống cơ cấu khác như ĐB trẻ, thanh niên, dân tộc... đều thuộc phạm vi đề án của bầu cử QH, còn trong dự thảo luật chỉ quy định tỷ lệ tối thiểu ít nhất khoảng 40% ĐB chuyên trách.

Với tiêu chuẩn ĐB chuyên trách, ngoài quy chuẩn chung thì phải đáp ứng từng chức danh đã được quy định cụ thể trong các văn bản chỉ đạo của Đảng.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình

Ông Tùng cho biết, qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn ĐBQH. ĐBQH hoạt động chuyên trách còn phải có thêm một số tiêu chuẩn riêng để làm cơ sở cho công tác bố trí cán bộ và theo dõi, đánh giá trong quá trình làm nhiệm vụ.

Thường vụ QH thấy rằng việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với ĐBQH nói chung và ĐBQH chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng và cần thiết nhằm nâng cao chất lượng của ĐBQH. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Đảng trong quá trình lựa chọn, giới thiệu cán bộ ứng cử ĐBQH trong các nhiệm kỳ qua.

Các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định trong luật Tổ chức QH hiện hành đã thể hiện đầy đủ các năng lực, phẩm chất mà người ĐBQH phải có, cụ thể hóa quyền ứng cử ĐBQH đã được Hiến pháp quy định.

Do đó, xin phép QH cho giữ các nội dung này và không bổ sung các tiêu chuẩn trong Đảng làm tiêu chuẩn chung cho các ĐBQH.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để cụ thể hóa trong đề án bầu cử ĐBQH khóa 15 cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Hương Quỳnh - Trần Thường

Giữ lại 50% tiền xử phạt môi trường là trái luật Ngân sách

Giữ lại 50% tiền xử phạt môi trường là trái luật Ngân sách

Ủy ban Khoa học, công nghệ, môi trường của QH đề nghị cân nhắc quy định sử dụng 50% tiền xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý.