Góp ý về dự Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) hôm nay (28/10), đại biểu quốc hội Tạ Thị Yên (Phó Ban Công tác đại biểu) đề nghị cần đảm bảo công bằng trong khen thưởng, nhất là đối với người không giữ chức vụ quản lý, người trực tiếp lao động.

Quá trình cống hiến không đồng nhất với công trạng 

Dẫn quy định tại các điều 30, 33, 34, 35 và 39 của dự thảo Luật, bà Yên cho rằng, “quá trình cống hiến lâu dài trong cơ quan, tổ chức” dường như được coi là “công trạng, thành tích” và được xem là một trong những căn cứ để xác định hình thức khen thưởng.

Chính vì quan niệm như vậy nên thực tế hiện nay, các cán bộ quản lý trước khi nghỉ hưu đều được nhận các hình thức khen thưởng xét theo quá trình cống hiến.

{keywords}
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu

“Tôi thấy rằng, quá trình cống hiến và công trạng, thành tích không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Quy định như dự thảo luật có thể dẫn đến sự thiệt thòi đối với một số đối tượng, nhất là những người không làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, thậm chí là những người làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhưng lại không giữ chức vụ lãnh đạo”, nữ đại biểu nói.

Do đó, bà đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý các quy định nêu trên để đảm bảo công bằng trong khen thưởng, trong đó chú trọng đến việc khen thưởng cho những đối tượng không phải là cán bộ quản lý hoặc người lao động trực tiếp để bảo đảm khen thưởng có tác dụng giáo dục và nêu gương. Đồng thời, cần cụ thể hoá quy định về việc “khen thưởng người trực tiếp lao động” như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị, cần nhất quán nguyên tắc khen thưởng là gắn với công trạng, thành tích, không nên theo tuần tự từ thấp đến cao.

Dẫn những quy định có tính đổi mới “một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, không phải theo tuần tự từ thấp lên cao”, bà Yên lưu ý, vẫn có một số điều 33, 34, 35, 39, 40, 41, 42… của dự thảo quy định việc khen thưởng theo tuần tự.

Theo đó, tiêu chuẩn để được tặng thưởng hạng Nhì thì trước đó phải được tặng thưởng hạng Ba; để được tặng thưởng hạng Nhất thì trước đó phải được tặng thưởng hạng Nhì. Vì vậy, bà đề nghị xem xét lại quy định này.

Khắc phục tình trạng "nuôi" khen thưởng

Góp ý tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) ủng hộ dự luật bổ sung thêm nguyên tắc khen thưởng “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”.

Theo bà, lý do bổ sung nguyên tắc này nhằm đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, khắc phục tình trạng khen thưởng cộng dồn thành tích, "nuôi" khen thưởng như trước đây.

“Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo còn một số nội dung quy định về tiêu chuẩn khen thưởng khi phân tích kỹ thì thấy vẫn phải cộng dồn thành tích liên tục qua các năm”, bà Nguyệt lưu ý.

Nữ đại biểu cũng dẫn chứng tiêu chuẩn được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất là đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó, có 3 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh.

Theo đó, để 2 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh mất ít nhất 6 năm. Như vậy, nếu không phấn đấu 2 lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh thì không đáp ứng được tiêu chuẩn khen thưởng danh hiệu này.

Bà đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các quy định về tiêu chuẩn khen thưởng để hạn chế tối đa tình trạng cộng dồn thành tích, "nuôi" khen thưởng để công tác khen thưởng đi vào thực chất, tạo động lực, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, trong sửa đổi luật lần này, ban soạn thảo hết sức chú trọng để đảm bảo diện bao phủ rộng nhất.

"Thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng nặng về cộng dồn thành tích, tích lũy thành tích, không công bằng và có thể nói một mặt nào đó còn tạo ra sự hình thức trong khen thưởng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo bà Trà, dự luật điều chỉnh, bổ sung loại hình khen thưởng, từ 5 loại hình khen thưởng nhưng cũng chưa đầy đủ và chưa rõ, lần này đã đưa ra 6 loại hình khen thưởng gồm: khen thưởng theo công trạng, khen thưởng đột xuất, khen thưởng theo phong trào thi đua, khen thưởng thành tích cống hiến, khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng đối ngoại.

Trong 6 loại hình khen thưởng này đã định hình rất rõ theo hai đối tượng khen. Đối tượng thứ nhất là đối tượng trong phong trào thi đua, tức là khen trong phong trào thi đua. Đối tượng thứ hai là thành tích đến đâu thì khen thưởng đến đó; được nhóm lại ở 5 loại hình khen thưởng là công trạng, đột xuất, niên hạn, cống hiến và đối ngoại.

“Với cách thiết kế như vậy thì tỷ trọng tiêu chuẩn khen thưởng theo phương châm nguyên tắc “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó” đã chiếm tới khoảng 3/4 trong các hình thức khen thưởng”, Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây cũng là vấn đề mới, đã thể hiện rất rõ trong dự thảo Luật lần này. Tuy nhiên, trong quá trình tới đây, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung để làm sao đảm bảo quán triệt được đầy đủ nguyên tắc này một cách rõ hơn.

Thu Hằng

Tôn vinh sao lại phải viết báo cáo thành tích?

Tôn vinh sao lại phải viết báo cáo thành tích?

ĐBQH cho rằng, chỉ khi nào nhà nước với đầy đủ công cụ quản lý được giao, thực hiện việc tôn vinh mà không yêu cầu cá nhân viết báo cáo thành tích thì khi đó mới bảo đảm ý nghĩa biểu dương.