Thảo luận tại tổ về dự thảo luật Cán bộ công chức, luật viên chức sửa đổi chiều nay, Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Hoàng Văn Trà bày tỏ đồng tình với của cơ quan thẩm tra về việc không nên bỏ hình thức giáng chức trong kỷ luật cán bộ, công chức.

“Thực tế, hình thức này áp dụng rất ít nhưng cần thiết”. Ông Trà dẫn chứng, một người đang là cấp phó được bổ nhiệm cấp trưởng nhưng điều hành, năng lực không đáp ứng được có thể giáng chức xuống làm cấp phó. 

{keywords}
Phó chủ nhiệm UB Kiểm tra TƯ Hoàng Văn Trà

"Hay 1 Giám đốc sở vi phạm vượt hình thức kỷ luật cảnh cáo nhưng chưa đến mức cách chức, nếu bỏ hình thức “giáng chức”, sẽ bị xuống làm chuyên viên ngay thì rất phí năng lực chuyên môn", ông Trà phân tích.

Ông nhấn mạnh “tôi nghĩ nên duy trì hình thức kỷ luật giáng chức nhưng phải có hướng dẫn cụ thể để không xảy ra tình trạng lợi dụng giáng chức để né cách chức”.

Không nên vừa giáng chức, vừa cách chức

Ở chiều ngược lại, Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, xét ra ở một mặt nào đó bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đi là đúng vì đã có hình thức cách chức.

“Đã vi phạm hơn mức cảnh cáo thì cách chức anh đi chứ. Còn chỉ giáng chức là cách tôi bổ nhiệm lại anh. Điều này dẫn đến câu chuyện sau hết 1 năm, thời hiệu kỷ luật chúng ta lại bổ nhiệm lại vị trí  ban đầu.

Quan điểm của tôi là không nên vừa giáng chức, vừa cách chức. Anh vi phạm tôi cách chức anh, còn việc anh trở lại vị trí đó, anh phải tu nhân tích đức làm sao trở lại vị trí ban đầu”, ĐB Lợi nói.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TP.HCM. Ảnh: Phạm Hải

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TP.HCM nêu thực tế có nơi thực hiện hình thức giáng chức thuận lợi nhưng một số nơi khó khăn.

"Cấp phó hiện nay rất hạn chế, mỗi nơi chỉ có 1, 2 cấp phó. Ông cấp trưởng bị giáng chức thì bố trí ở đâu, khi bộ máy đã ổn định rồi? Tâm lý chung, chỗ này bị kỷ luật mà đưa sang đơn vị khác thì không ổn, vì nơi khác cũng không muốn nhận. Nghị quyết của Đảng cũng nói kỷ luật ở chỗ nào thì phải sửa ở chỗ đó, không được chuyển", bà Tâm phân tích.

Bà cũng đặt vấn đề ngược lại có những vi phạm không đến mức cách chức mà cách chức thì không còn gì, như vậy cũng không công bằng nhưng nếu giáng chức thì bố trí ở đâu?

"Cần tính toán cụ thể làm sao cho tốt, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng không làm mất động lực sửa khuyết điểm của cán bộ", bà nói.

Luật hóa kỷ luật cán bộ về hưu là đúng

Liên quan đến việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, ông Hoàng Văn Trà nhận định, hiện nay đang làm và làm rất tốt, tạo hiệu ứng rất tốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng

Theo ông, luật hóa là đúng nhưng cần quy định kỹ hơn, cụ thể hơn. Kỷ luật cán bộ nghỉ hưu thì phải làm rõ tính pháp lý các văn bản mà người này chịu trách nhiệm và các chức vụ trước đó họ nắm giữ thì như thế nào. 

“Vấn đề này phải nghiên cứu sâu để quy định cụ thể. Vì không có cấp dưới thì làm sao lên được cấp trên, giống như không có bằng cấp 3 thì làm sao có bằng tiến sĩ được”, ông Trà ví von.

{keywords}
Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng việc này “dù nói thì rất an toàn” nhưng “chưa có hướng để giải quyết”.

Ông chia sẻ, bản thân ông và một số cán bộ các cơ quan pháp luật của QH cũng đã được huy động để thiết kế cách thức xử lý đối với một số trường hợp cụ thể.

"Chức năng quản lý và chức danh của một con người gắn với tất cả các hành vi pháp lý mà người đó thực hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình. Nếu cách chức họ thì vấn đề pháp chế chưa có cách để xử lý", Bộ trưởng phân tích.

Theo ông, Chính phủ có đề xuất nhưng chưa thấy giải pháp hữu hiệu. Ý kiến thẩm tra của UB Pháp luật cũng chấp thuận câu chuyện này nhưng lại giao cho Chính phủ cùng một loạt các việc khác như chế độ đãi ngộ… thì rất khó khăn.

Những hiệp định ông Vũ Huy Hoàng ký xử lý thế nào?

ĐB  Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng dẫn trường hợp cụ thể khi Chính phủ cách chức ông Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Công thương).

“Cách chức như thế rồi thì tất cả những hiệp định bộ trưởng này đi ký thì thế nào? Cách chức cả nhiệm kỳ thì coi như cả khóa 13 không có bộ trưởng này, vậy ký bao nhiêu văn bản liên quan thì sao? Ở đây không nói là không xử lý kỷ luật cho hạ cánh an toàn, là đảng viên thì phải xử lý nhưng cách cả chức như vậy thì hậu quả thế nào?”, ĐB Kim Bé đặt vấn đề.

ĐB Phan Huỳnh Sơn, An Giang băn khoăn chưa có số liệu nào về việc kỷ luật cán bộ về hưu. Việc này mới xử lý ở TƯ, còn ở địa phương chưa nghe nói đưa mấy anh vi phạm nghỉ việc, nghỉ hưu ra để kỷ luật.

{keywords}
ĐB Phan Huỳnh Sơn, An Giang

“5, 10 năm nữa, điều kiện kinh tế phát triển, người lao động có nhiều lựa chọn công việc, trong khi vào công chức chỉ vì họ thích tính ổn định mà giờ ràng buộc vậy có ai vào công chức không?

Quy định thế nào không khéo người dở vào công chức, còn người giỏi đi làm bên ngoài hết”, ông Sơn lo lắng.

Kỷ luật công chức về hưu: Ta đang bí, Đức xử ngon ơ

Kỷ luật công chức về hưu: Ta đang bí, Đức xử ngon ơ

Việt Nam và Đức đều có luật Cán bộ, công chức nhưng việc quy định kỷ luật những người này khi về hưu ở mỗi nước lại khác nhau.

Thu Hằng - Hồng Nhì