Chính phủ đánh giá trước sự phát triển của KTXH, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với CSCĐ.

Pháp lệnh về CSCĐ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

{keywords}
Bộ trưởng Công an trình bày dự án luật trước Quốc hội.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, với 31 điều xác định CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc CAND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

CSCĐ có 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ và bổ sung 2 nhiệm vụ mới. Đây là các nhiệm vụ trên thực tế CSCĐ đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi.

Nhiệm vụ gồm huấn luyện, bồi dưỡng điều lệnh, quân sự, võ thuật, kỹ thuật, chiến thuật đối với CSCĐ và cán bộ, chiến sĩ, học viên trong CAND; huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách và lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng trong CAND và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp trong đấu tranh, phòng chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ…

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, dự thảo Luật cũng quy định cụ thể 7 quyền hạn của CSCĐ, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tế thực hiện nhiệm vụ của CSCĐ.

Thứ nhất, được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

{keywords}
 

Thứ hai, ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm UB Quốc phòng, an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến cho rằng, phòng, chống khủng bố đã có lực lượng chuyên trách đảm nhiệm, CSCĐ chỉ tham gia huấn luyện quân sự, võ thuật cho lực lượng này và lực lượng bảo vệ các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo về nhiệm vụ với các lực lượng khác, đồng thời không phát sinh thủ tục hành chính.

Có ý kiến đề nghị quy định bổ sung nhiệm vụ phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng thuộc Quân đội trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

Về huy động người, phương tiện, thiết bị, đa số ý kiến UB Quốc phòng, an ninh tán thành quy định của dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng để lực lượng CSCĐ thực hiện nhiệm vụ được giao.

CSCĐ là lực lượng chiến đấu tập trung, tác chiến theo đội hình với quân số lớn, vì vậy, đề nghị cân nhắc trường hợp thực hiện nhiệm vụ độc lập của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ.

UB Quốc phòng, an ninh cũng đề nghị cân nhắc thẩm quyền điều động CSCĐ trong trường hợp cấp bách vì đây là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, được trang bị vũ khí đặc chủng, hiện đại, hỏa lực mạnh.

Việc điều động các đơn vị CSCĐ ở quy mô lớn cần có quy định giới hạn về thẩm quyền điều động theo quy mô, tính chất vụ việc, đơn vị hoặc phạm vi địa bàn điều động để bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; khi điều động cần kịp thời báo cáo, trao đổi với lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền địa phương.

>>Mời độc giả đón đọc tin tức mới nhất trong ngày<<

Trần Thường

Bộ Công an ra mắt Trung đoàn Không quân Công an nhân dân

Bộ Công an ra mắt Trung đoàn Không quân Công an nhân dân

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an,Trung đoàn Không quân Công an nhân dân (CAND) trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.