Chiều 18/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện tháng 12 của Quốc hội với nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri bày tỏ băn khoăn về tình trạng hàng ngàn phương tiện vận chuyển hàng hóa nông sản trong thời gian qua ùn ứ nghiêm trọng tại các cửa khẩu các tỉnh biên giới phía Bắc do Trung Quốc tạm ngưng, đóng cửa để siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện một số quy định mới về xuất nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Rút bảo hiểm xã hội một lần đang có biểu hiện gia tăng

Cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành hữu quan cần tiếp tục có nhiều giải pháp tích cực hơn nữa khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tại những vùng có dịch để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp; đảm bảo lưu thông, vận tải hàng hóa được liên tục, thông suốt giữa tất cả các vùng trong cả nước, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu...

{keywords}
Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình

Cử tri cũng nhắc đến việc, trong thời gian qua dịch bệnh Covid -19 đã tạo thêm nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp và cả người lao động, nhất là chưa có sự nhất quán trong việc chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động, dẫn đến tình trạng công nhân phải xét nghiệm Covid-19 nhiều lần và đều bị trừ phí xét nghiệm vào lương.

Tại một số địa phương còn có sự vướng mắc khi thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động bị nhiễm Covid - 19 điều trị tại nhà do thiếu “giấy nghỉ ốm”.

Cử tri kiến nghị có giải pháp giải quyết việc chi trả chi phí xét nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà được thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội.

Trưởng ban Dân nguyện cũng cho biết, cử tri kiến nghị quy định gia hạn thời gian và có giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 126 đồng thời xem xét, bổ sung đối tượng là người lao động, người đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế tại nhà nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, cử tri phản ánh về tình trạng xin rút bảo hiểm xã hội một lần đang có biểu hiện gia tăng, mặc dù đây là quyền của người lao động nhưng việc có quá nhiều trường hợp rút bảo hiểm xã hội một lần cũng ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của người lao động; ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội cũng như mục tiêu, nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong công tác đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân.

Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ có giải pháp tuyên truyền cho người lao động hiểu được lợi ích lâu dài khi tham gia bảo hiểm để hạn chế tình trạng này.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị quan tâm hơn nữa đến cơ chế chính sách cho cán bộ y, bác sĩ, người lao động trong ngành y tế trực tiếp làm công tác chống dịch, bên cạnh giải pháp lâu dài để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, trước mắt cần có biện pháp cấp bách để hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế cho công tác chống dịch cấp thiết tại cơ sở và các địa phương hiện nay.

"Cử tri nhiều địa phương rất bức xúc trước vụ việc Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện và CDC một số tỉnh, thành phố nhằm thu lợi nhuận bất chính. Đây là hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng trên cả nước, cả hệ thống chính trị và Nhân dân đang phải dốc toàn lực để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch", ông Bình nêu rõ.

Từ đó, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt trong việc điều tra, kết luận sớm, xử lý nghiêm vụ việc và thông tin công khai, rộng rãi cho cử tri.

Tích cực hơn nữa trong thực hiện chuyển đổi số

Đáng chú ý, cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với với các trường hợp lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để đầu cơ, “thổi giá” bất động sản gây nhiễu loạn thị trường; vi phạm trong việc công bố thông tin, ‘‘bán chui” cổ phiếu làm ảnh hưởng lớn đến sự minh bạch, phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam và làm mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cử tri lo lắng trước tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp, khó lường nhất là trong dịp Tết Nguyên đán đang đến gần. Cử tri đề nghị Chính phủ cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.

{keywords}
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan hữu quan tích cực hơn nữa trong việc thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước để người dân được thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, hạn chế tiêu cực và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Thời gian qua, cử tri rất lo lắng và bức xúc tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích (đuối nước, ngã từ nhà cao tầng, nổ điện thoại, điện giật, ...); trẻ em bị mẹ kế, bố dượng thậm chí bố mẹ đẻ bạo hành; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em bị sang chấn tâm lý, trầm cảm do áp lực học tập, giãn cách xã hội lâu ngày bị tách khỏi môi trường giáo dục... ngày càng gia tăng, mức độ rất nghiêm trọng được nhiều báo chí, dư luận xã hội phản ánh.

Cử tri đề nghị cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện đối với trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em.

Ông Bình nêu lại đề nghị của cử tri về việc Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, nhất là giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế, chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, bệnh Covid-19; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; giám sát phòng, chống tham nhũng; tăng thời lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ.

Cử tri cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội cần sâu sát với cơ sở, cùng nhân dân và cử tri địa phương giám sát các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Thu Hằng 

Nhận 'trát' xử phạt, ông Trịnh Văn Quyết nộp ngay 1,5 tỷ đồng

Nhận 'trát' xử phạt, ông Trịnh Văn Quyết nộp ngay 1,5 tỷ đồng

Ông Trịnh Văn Quyết đã chấp hành quyết định xử phạt của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với việc hoàn tất nộp phạt. Tỷ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết tại FLC vẫn trên 30%