Thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) của QH hôm nay, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) lo lắng khi hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra nhưng “đã có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, bị mất chức, bị xử lý" liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước?.

Văn hóa đỗ lỗi

“Chúng tôi cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC”, nữ ĐB nhấn mạnh.

Bà đề nghị trong nghị quyết QH tới đây cần quy định hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là tái giám sát về trách nhiệm thực thi công vụ trong PCCC.

{keywords}
ĐB Cao Thị Xuân: Công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cũng rất mong Chính phủ xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu trong mỗi mắt xích nhiệm vụ công việc, trong đó có trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu UBND các cấp.

“Đề nghị Chính phủ có lộ trình cụ thể và các giải pháp đủ mạnh, khả thi, kể cả việc phải giáng chức người đứng đầu hoặc thay thế cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ mà thiếu trách nhiệm, hiệu quả công việc kém”, bà nhấn mạnh.

Bà cho rằng, trên thực tế, có rất nhiều dẫn chứng về việc thiếu trách nhiệm của người đứng đầu trong mỗi mắt xích nhiệm vụ công việc, trong đó có trách nhiệm rất lớn của người đứng đầu tại mỗi cấp chính quyền địa phương.

“Sự vô cảm với tính mạng của người dân đã và đang diễn ra ở không ít cán bộ”, ĐB Minh nhấn mạnh.

Theo bà Minh, không ít các tòa chung cư do chủ đầu tư, chủ cơ sở vì muốn cắt giảm chi phí nên đã lắp đặt các thiết bị, phương tiện PCCC không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém và chưa được kiểm định, rất dễ hỏng, khi xảy ra cháy thì không thể báo cháy được.

“Đây cũng thực sự là những hành vi vô cảm với tính mạng của người dân”, ĐB đề nghị Chính phủ sớm có các giải pháp chấn chỉnh tình trạng này.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng đã đến lúc cần nhìn thẳng vào thực trạng và phải truy trách nhiệm, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa: Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm, trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, còn dưới thì quy là trên không hướng dẫn

“Đáng buồn là khi truy cứu trách nhiệm có vấn đề thì trên đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, còn dưới thì quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành. Đây là văn hóa đổ lỗi”, ĐB Hoa nhấn mạnh.

Bà đề nghị hãy nhìn thẳng vào các tồn tại và hơn hết hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.

Không loại trừ có sự bao che, thậm chí là sân sau

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ ra tình trạng, DN nào mua thiết bị, phương tiện chữa cháy nơi cơ sở sản xuất do cán bộ phòng cháy chỉ định thì kiểm tra dễ dãi.

“Nếu không mua sẽ bị làm tình làm tội. Tình trạng này diễn ra nhiều nơi mà DN không dám lên tiếng”, ĐB Hòa nói.

Phó đoàn chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, dư luận cho rằng sự dễ dãi của cơ quan chức năng, lợi ích riêng tư của nhóm người, trong đó có cơ quan, cá nhân thẩm duyệt phòng cháy tạo kẽ hở cho sự vi phạm về phòng cháy cũng là nguyên nhân khi cháy nổ xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của người dân.

“Không loại trừ có sự bao che, thậm chí là sân sau của tổ chức, cá nhân kiểm định, cho nên các thiết bị không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém vẫn còn tồn tại nhiều nơi, khi xảy ra cháy nổ, thiết bị báo cháy không kịp thời, mất tác dụng, rỉ sét không còn sử dụng được”, ĐB Hòa lưu ý.

{keywords}
ĐB Phạm Văn Hòa: Dư luận cho rằng sự dễ dãi của cơ quan chức năng, lợi ích riêng tư của nhóm người tạo kẽ hở cho vi phạm về phòng cháy 

Ông cho rằng, cá nhân, cơ quan thực thi công vụ có tâm, có đức trong nghề nghiệp là yếu tố hàng đầu trong kiểm tra chất lượng, khắc phục tiêu cực, lợi ích nhóm, sân sau.

Muốn thế phải thường xuyên kiểm tra trong công tác quản lý nhà nước. Cán bộ phải gương mẫu, khách quan, trung thực, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ thực thi công vụ. Đồng thời, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức sai phạm.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) so sánh: Nếu thảm kịch 39 người chết trong xe container làm cả thế giới rúng động, bàng hoàng thì thảm cảnh chết do cháy còn gấp đôi số đó, chưa kể số người bị thương gấp 5 lần. Hàng ngàn tỷ thiệt hại, hàng ngàn hecta rừng bị thiêu rụi và đó chỉ là con số trung bình một năm.

Ông nêu hàng loạt bất cập trong công tác PCCC và băn khoăn: Có hay không sự du di, thỏa hiệp, “đi đêm” giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chốt công đoạn, thủ tục trong quy trình thực hiện PCCC, đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình.

"Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại?" - ông đặt câu hỏi.

Thu Hằng - Ảnh: Minh Đạt

Nhiều ĐB bị kỷ luật nhưng QH chưa một lần bấm nút cho thôi nhiệm vụ

Nhiều ĐB bị kỷ luật nhưng QH chưa một lần bấm nút cho thôi nhiệm vụ

Từ đầu nhiệm kỳ QH tới nay, rất nhiều ĐBQH bị cho thôi làm nhiệm vụ nhưng chưa bao giờ QH biểu quyết cho thôi đại biểu nào, mà là do UB Thường vụ Quốc hội.