Thảo luận ở hội trường hôm nay về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương, ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ (đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) băn khoăn khi dự thảo quy định ĐB HĐND có thể đề nghị thôi làm ĐB vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác.

ĐB Thủy cho rằng, khi có đơn xin nghỉ của ĐB HĐND hoặc ĐBQH thì cơ quan chức năng phải kiểm tra, xác minh xem có đúng người đó nghỉ vì lý do sức khỏe hay không.

"Tôi thấy thực tế nhiều ĐB vi phạm pháp luật, bị kỷ luật, khi làm đơn xin nghỉ lại nói vì lý do sức khỏe", bà Thủy nói.

Theo bà, xin nghỉ trong trường hợp này thì ĐB nên trình bày thẳng thắn là vì bị kỷ luật, không xứng đáng làm ĐB nữa.

"Nói do sức khỏe là sự không trung thực với nhân dân", ĐB tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thanh Thuỷ: Đại biểu xin thôi làm nhiệm vụ nên trình bày thẳng thắn. Ảnh: Minh Đạt

Cần cơ chế đãi ngộ thu hút người tài tham gia HĐND

Đề cập đến số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mỗi tỉnh nên có 2 phó chuyên trách không phụ thuộc chủ tịch chuyên trách hay kiêm nhiệm.

Ông Hiểu giải thích, theo định hướng của Đảng hiện nay trong việc bố trí nhân sự dự kiến bí thư sẽ kiêm chủ tịch UBND hoặc HĐND. Dự kiến đa số bí thư sẽ là chủ tịch HĐND. Hơn nữa, thực tế việc giám sát đòi hỏi chuyên môn cao, với 2 vị trí phó chủ tịch này mới đủ chuyên môn sâu để thực hiện giám sát, khi đó mới hiệu quả.

“Tôi có tư duy khác, trong 2 phó chủ tịch HĐND thì có thể bố trí 1 phó chủ tịch làm phó đoàn ĐBQH để tiết kiệm nhân sự. Quan trọng nhất là vị này có nhiều ý kiến, chất liệu, nguyện vọng nhân dân, có nhiều kiến thức kinh nghiệm từ QH về tổ chức chỉ đạo, triển khai, cung cấp thông tin”, ông Hiểu nói.

Theo ông, trong tương lai 3 văn phòng sẽ sáp nhập nên ĐB này là rất phù hợp, nên gọi là ĐB chuyên trách dân cử. Có thể riêng Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh quy mô lớn có đặc thù.

“Tôi từng là phó đoàn, nếu tham gia với địa phương càng sâu, càng kỹ thì hoạt động càng hiệu quả, càng đóng góp được nhiều cho Quốc hội và nhân dân. Mong Quốc hội nghiên cứu nội dung này”, ông chia sẻ.

{keywords}
ĐB Ngọ Duy Hiểu: Dân thì nóng, đại biểu thì lạnh. Ảnh: Minh Đạt

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng cấp huyện dứt khoát phải giảm còn 1 phó Chủ tịch HĐND.

“Quan trọng nhất là phải có cơ chế, chế độ đãi ngộ để thu hút những người tài tham gia HĐND các cấp. Đây mới là gốc của vấn đề, chứ bàn về tăng hay giảm biên chế cũng không giải quyết được vấn đề. Chứ không thì nhiều nơi người ta gọi là "nghị gật", là ĐB không hiểu vấn đề gì, họp thì không phát biểu được. Nhân dân thì nóng, đại biểu thì lạnh, ĐB không có ý kiến gì”, ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

ĐB Trần Thị Hằng (ĐB tỉnh Quảng Ninh) cũng chọn phương án Thường trực HĐND tỉnh gồm chủ tịch, 2 phó chủ tịch và các ủy viên là trưởng ban của HĐND tỉnh.

“Nếu Chủ tịch HĐND là ĐB hoạt động chuyên trách mà chỉ có 1 phó chủ tịch chuyên trách thì riêng việc đi họp cũng không đủ người”, bà Hằng lo lắng.

Phó đoàn chuyên trách tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến ủng hộ HĐND tỉnh gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch, đề nghị không quy định chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách vì nếu chủ tịch cấp uỷ đảng kiêm nhiệm thì vai trò của chủ tịch HĐND tốt hơn và giảm biên chế.

{keywords}
ĐB Mai Sỹ Diến

Theo ông Diến, quy định chủ tịch HĐND chuyên trách thuận lợi việc luân chuyển cấp ủy nhưng lại tăng biên chế. Mặt khác, công tác cán bộ các cấp không thể không chuẩn bị phương án nhân sự cho việc luân chuyển cán bộ nên không bị động và việc bố trí Chủ tịch HĐND các tỉnh, huyện, xã sẽ đồng bộ.

Ông cũng đề nghị quy định biên chế tối thiểu khi thành lập cơ cấu tổ chức trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.

“Việc này nhằm khắc phục tình trạng thời gian dài một số huyện có 1, 2 người ngồi đọc tài liệu để duy trì sự tồn tại của phòng theo quy định cũng như sự lèo tèo của các trạm thú y thuộc các chi cục sở cấp tỉnh”, ông nêu thực tế.

Bị kỷ luật thì không gọi là nguyên bộ trưởng, truất lương hưu vĩnh viễn

Bị kỷ luật thì không gọi là nguyên bộ trưởng, truất lương hưu vĩnh viễn

ĐBQH đề nghị truất lương hưu vĩnh viễn, tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng đối với cán bộ bị kỷ luật. 

Thu Hằng - Trần Thường