- Việc xử lý kỷ luật hành chính đối với ông Vũ Huy Hoàng hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

Liên quan đến việc xem xét xử lý kỷ luật hành chính với nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, bên hành lang QH chiều nay, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết ông vừa có công văn trả lời về việc này.

{keywords}

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Phạm Hải

Theo ông, việc này đang có lỗ hổng về xử lý cán bộ, công chức, viên chức.

"Nhưng chúng ta hoàn toàn vẫn có cơ sở pháp lý theo quy định của luật Cán bộ công chức năm 2008, vận dụng khoản 1 điều 80 liên quan đến thời hiệu xử lý kỷ luật. 

Trong đó quy định vấn đề liên quan, áp dụng điều 78 của luật xử lý đối với ông Hoàng, căn cứ vào điều khoản về thời hiệu để xử lý ông Hoàng, có thể xử lý khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi miễn", ông Quyền nói.

Ông Quyền cho hay, thời hiệu tính từ khi hành vi sai trái trong quá trình đương nhiệm, cơ sở pháp lý là căn cứ vào điều khoản về thời hiệu.

"Vận dụng hình thức gì trong khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm thì do chúng ta nhưng cách chức, bãi nhiệm có nên hay không thì phải tính vì đã không còn đương chức.

Theo tôi, vận dụng cảnh cáo là phù hợp, vì chức đã hết", ông Quyền bày tỏ ý kiến.

Cũng theo ông Quyền, việc vận dụng thời hiệu xử lý kỷ luật để cảnh cáo ông Vũ Huy Hoàng trong khi đương nhiệm và thời hiệu có giá trị 2 năm, nên kể cả lúc đã rời nhiệm sở vẫn có thể bị xử lý theo quy định.

"Rõ ràng luật Cán bộ công chức có điểm trống, nên bây giờ xử lý được là vận dụng điều khoản thời hiệu của điều 78", ông Quyền chỉ ra.

Ông cũng nhìn nhận, trong ranh giới giữa kỷ luật cán bộ công chức và hình sự "rất giáp ranh". 

"Lâu nay, chúng ta thiên về xử lý kỷ luật, nhưng theo tôi giữa việc kỷ luật cần có liên kết với hình sự. Mối quan hệ xử lý vi phạm hành chính và hình sự là có, trong quá trình thanh tra nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra.

Nhưng chưa có quy định, trong quá trình xử lý kỷ luật, nếu có dấu hiệu hình sự thì cơ quan xử lý kỷ luật có trách nhiệm chuyển ngay cơ quan thanh tra. Đây là lỗ hổng", vị Viện trưởng phân tích.

Trước câu hỏi việc xử lý kỷ luật khi đã không còn đương chức có tác dụng không, ông Nguyễn Đình Quyền cho hay, cán bộ công chức khi rời nhiệm sở còn có lý lịch, hồ sơ tư pháp.

"Ví dụ sau khi nghỉ hưu mà thành lập doanh nghiệp, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hồ sơ tư pháp và biết cán bộ đó đã bị xử lý kỷ luật", ông Quyền nói.

Điều 78. Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ

1. Cán bộ vi phạm quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Cách chức;

d) Bãi nhiệm.

2. Việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.

Điều 80. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật                  

1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.

Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.


Hồng Nhì