Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế- xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức sáng 27/9, PGS.TS. Phạm Hồng Chương thay mặt nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế quốc dân nêu thực trạng chuỗi cung ứng và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh

Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, chuỗi cung ứng ngành chế tạo chế biến đã bị gián đoạn một phần do tác động của đại dịch Covid-19, nhất là vào tháng 8 với các đầu mối bị tác động mạnh mẽ nhất là ở khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

{keywords}
PGS.TS Phạm Hồng Chương

Kiến nghị của các doanh nghiệp FDI gửi Thủ tướng và lãnh đạo các địa phương cho thấy, 20% đơn hàng đã chuyển khỏi Việt Nam và không dừng để chờ đợi chúng ta cải thiện môi trường đầu tư, xóa bỏ giãn cách, đảm bảo an toàn cho lao động và lương thực thực phẩm, di chuyển an toàn khi có “thẻ xanh”.

Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo chỉ thị 16 tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất dệt may, da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. 

Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày chỉ hoạt động với công suất 50%-70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động. Khoảng 40% doanh nghiệp có đủ điều kiện và dám thực hiện điều kiện 3 tại chỗ… Các lĩnh vực thủy sản và nông sản cũng gặp tình cảnh tương tự. 

PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, tất cả các chuỗi cung ứng đều có nguyên nhân thiếu lao động, chậm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, lưu thông, và dịch vụ logistics bị đứt gãy.

Từ đó, ông đưa ra khuyến nghị thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ nhất quán mới có thể mở cửa trở lại.

Ông dẫn kinh nghiệm của các nước phương Tây và Mỹ. Cụ thể, họ chấp nhận đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng ngay từ đầu và họ chỉ cần chuyển đổi hệ thống y tế sang chữa bệnh cho số bị nhiễm mà không đủ sức khỏe phục hồi và giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

“Họ đã đặt vấn đề kinh tế lên hàng đầu để giải quyết đại dịch nên có thể nói họ chọn giải pháp ít tốn kém nhất có thể. Trong khi đó, quan điểm tiếp cận chống dịch ở nước ta lấy phòng bệnh, dồn mọi nguồn lực cho khoanh vùng, cách ly, giãn cách … và đang chuyển sang tình trạng miễn dịch cộng đồng mới là rất tốn kém”, PGS.TS. Phạm Hồng Chương phân tích.

Ngoài ra, ông Chương cũng lưu ý, dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, cần có chính sách từ đầu, kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh, có nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi từ trạng thái từ “phòng bệnh” sang “chữa bệnh”. 

PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước. Linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh.

Đồng thời, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19...

Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào chương trình tiêm chủng

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý, cần kiểm soát nhanh và hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đẩy mạnh tiêm vắc xin gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế phù hợp, sự hợp tác tích cực của doanh nghiệp và cải thiện ý thức của người dân, thì hệ lụy đối với nền kinh tế, đặc biệt là các trung tâm kinh tế, có thể được giảm bớt.

{keywords}
Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ngoài ra, theo Viện trưởng CIEM, nếu tư duy chính sách lồng ghép hiệu quả việc tìm kiếm những mô hình, không gian kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…thay vì chỉ “bó” vào kích thích tài khóa – tiền tệ thì kinh tế Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để phục hồi, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh trong tương lai.

Từ phân tích đó, CIEM kiến nghị, tiếp tục ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19, đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin; sớm xây dựng và thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19.

Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cũng cho rằng, để đi vào trạng thái bình thường mới, tốc độ phục hồi phụ thuộc rất lớn với quy mô của các chương trình tiêm chủng, mặc dù xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch.

{keywords}
Ông Jacques Morisset, Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Dự báo, các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ có mức tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021, gắn với tăng cường xét nghiệm hàng ngày.

Ông Jacques Morisset khuyến nghị, việc quản lý hạn chế di chuyển cần thông minh hơn, trên cơ sở giám sát chặt chẽ và chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển, đơn giản hóa và điều phối các quy trình.

Để ổn định kinh tế vĩ mô cần hướng sang chính sách tài khóa nhiều hơn và thực hiện chính sách tiền tệ ít hơn. Theo đánh giá của WB, chính sách tài khóa là công cụ mà Chính phủ chưa sử dụng nhiều, nhưng lại có thể giúp kích cầu trong ngắn hạn và cung trong dài hạn, trong khi dư địa tài khóa trong hiện tại và ngắn hạn đều có thể thực hiện.

Trong khi đó, Chính phủ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ nhiều hơn để hỗ trợ tạm thời cho doanh nghiệp, nhưng tương đối kém hiệu quả và có thể tăng rủi ro cho tài chính do nợ xấu tăng cao, thiếu minh bạch trong những gói giải cứu.

Với các chương trình trợ giúp xã hội, WB khuyến nghị, cần hiệu quả hơn để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Trong đó, cần phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội từ chính sách tài khóa; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định.

Cùng với các biện pháp trên, WB khuyến nghị đã đến lúc cần suy nghĩ và thực hiện những cải cách thể chế quan trọng để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách.

Thu Hằng

Hai phiên họp khẩn của Chủ tịch QH và những nghị quyết chưa có tiền lệ

Hai phiên họp khẩn của Chủ tịch QH và những nghị quyết chưa có tiền lệ

Chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập 2 phiên họp khẩn của Thường vụ để đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ trong phòng chống dịch.