Sáng nay (18/5), Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem Clip 6 bước bỏ phiếu bầu cử:

Nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, 38 Ủy viên Trung ương họp trực tuyến

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, qua đăng ký, rất nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt 38 Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ trực tiếp tham gia hội nghị trực tuyến này, các tỉnh thành khác cũng có các Phó Bí thư Thường trực tham dự.

“Đây là sự quan tâm rất lớn dành cho công tác bầu cử”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lần thứ 2 kể từ 21/1, chúng ta tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Các ban, bộ ngành, địa phương trong cả nước đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, chỉ đạo mọi điều kiện tốt nhất cho bầu cử.

Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử của các địa phương, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thích ứng với điều kiện thiên tai, mưa lũ, nhất là với yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Bộ Công an đã tổ chức lễ ra quân, kết nối 63 điểm cầu địa phương, làm nhiệm vụ trật tự, an ninh, an toàn cho bầu cử.

Một số địa phương đã bầu cử sớm, có kết quả rất thành công; một số địa phương đã diễn tập bầu cử trong điều kiện có những khó khăn rất lớn về phòng chống dịch Covid-19. Đơn cử như TP Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương khác đã chủ động, diễn tập thực hành quy trình bầu cử, nhất là ở những nơi cách ly tập trung, giãn cách, phong tỏa cục bộ tại một số địa bàn dân cư, quận huyện.

“Có thể nói, cho đến nay mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng tổ chức bầu cử vào ngày 23/5 tới”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Lưu ý từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn 5 ngày, để đảm bảo kỳ bầu cử dân chủ, đúng quy định pháp luật, tuyệt đối an toàn, thành công tốt đẹp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, ông Huệ cho biết, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định tổ chức hội nghị trực tuyến để tổng rà soát, lắng nghe, giải quyết các vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị, đề xuất.

Từ đó nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao, để chuẩn bị chu đáo nhất, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân và thực sự thành công tốt đẹp.

Khiếu nại, tố cáo về bầu cử chỉ bằng 15% kỳ trước

Báo cáo công tác chuẩn bị bầu cử, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tính đến 17h ngày 14/5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại tố cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại tố cáo, phản ánh về công tác bầu cử và ứng viên ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp.

Qua phân loại, có 12 đơn tố cáo phản ảnh người ứng cử ĐBQH; 112 đơn tố cáo phản ảnh người ứng cử đại biểu HĐND các cấp; 30 đơn phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác, cư trú; 6 đơn không liên quan bầu cử.

Trong 12 đơn tố cáo, phản ảnh về người ứng cử ĐBQH có 11 đơn Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhận trước ngày 12/5 và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, báo cáo và còn 1 đơn. Tiểu ban đã chuyển đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết 69 đơn, xếp lưu 95 đơn; trong đó 62 đơn trùng, 33 đơn không rõ nội dung, không liên quan đến bầu cử.

{keywords}
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường

Đến nay, Tiểu ban đã nhận được 14 văn bản trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền liên quan đến người ứng cử và công tác bầu cử, trong đó có 5 văn bản trả lời về 5 người ứng cử ĐBQH.

Kết quả xác minh, giải quyết đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết và trả lời đúng quy định. Một số đơn phản ảnh liên quan đến quá trình bổ nhiệm, tuyển dụng, hồ sơ cán bộ, uy tín... đều đã được các cấp có thẩm quyền xem xét. Do vậy, các ứng viên đều đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện ứng cử theo quy định.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, số vụ việc khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là các đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều. Số lượng đơn thư gửi Hội đồng Bầu cử quốc gia chỉ bằng 15% so với kỳ bầu cử trước (kỳ trước 642 đơn thư).

Về công tác giám sát kiểm tra việc chuẩn bị bầu cử, ông Cường cho hay, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 23 đoàn làm việc tại 53 tỉnh thành để giám sát, kiểm tra. Các địa phương cũng tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đảm bảo đúng quy định.

Về tài chính phục vụ công tác bầu cử, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tổng kinh phí phục vụ công tác bầu cử toàn quốc là 1.500 tỷ đồng. Đến nay, Bộ Tài chính đã phân bổ 2 đợt cho các cơ quan Trung ương và địa phương theo số kinh phí mà Thủ tướng quyết định gần 1.470 tỷ đồng. Trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, các địa phương đã cố gắng bố trí để đảm bảo phục vụ công tác bầu cử.

Những con số đáng chú ý:
- 69,2 triệu cử tri trong cả nước sẽ thực hiện quyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
- 866 ứng cử viên để bầu ra 500 ĐBQH khóa XV. Trong đó, ở Trung ương 203 người, ở địa phương là 663 người (bao gồm 9 người tự ứng cử).
- 6.201 ứng cử viên để bầu 3.727 đại biểu HĐND cấp tỉnh.
37.463 ứng cử viên để bầu ra 22.953 đại biểu HĐND cấp huyện.
- 405.110 ứng cử viên để bầu 246.510 đại biểu HĐND cấp xã.
- 15 địa phương bầu cử sớm một số khu vực: Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An và Bạc Liêu.

Thu Hằng

Gần 69,2 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND

Gần 69,2 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cả nước có gần 69,2 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23/5.