Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ gồm: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Tăng trưởng cả năm 2021 tùy thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế 

Trình bày báo cáo kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn.

Lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao (khoảng 4%). Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP)…

{keywords}
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng trưởng quý 3 giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng GDP chỉ đạt 1,42%.

Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ…

Tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề; riêng trong quý 3, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý đầu 2020 đến nay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự kiến tăng trưởng cả năm 2021 sẽ ở mức 3-3,5% tùy thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế của đất nước đến mức nào, nhưng đều là chỉ số rất khó khăn để đạt được.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho người dân và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ.

Chính phủ cần đánh giá rõ hơn công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương; phân tích, đánh giá làm rõ hơn nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt; tăng trưởng tín dụng, kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng…

Cần có chương trình tổng thể để phục hồi phát triển kinh tế

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo về công tác phòng chống dịch bệnh, đánh giá tình hình triển khai, đề xuất chiến lược giải pháp thời gian tới. Mặt khác báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội. 

Liên quan đến việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác 24/7, không thụ động, phụ thuộc mà nghiên cứu từ trước từ sớm, từ xa, chủ động đề xuất cả những vấn đề Chính phủ không đề xuất và tạo được sự đồng thuận cao.

{keywords}
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp, làm rõ chuyển hướng trong phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với trọng tâm thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Vì vậy kế hoạch chiến lược phòng chống dịch cần được tích hợp và tính toán bảo bảm tối ưu và cân bằng giữa yếu tố y tế và kinh tế - xã hội; quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, tính toán thời điểm nơi lỏng có kiểm soát tránh tư tưởng nóng vội, không chủ quan...

Kết luận nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, dự báo tình hình năm 2022 còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, Chính phủ cần phân tích cụ thể và có giải pháp đột phá để giải quyết. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện chuyển sang mô hình thích ứng sống chung an toàn với dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh, có kịch bản ứng phó đối với từng mức độ diễn biến của dịch bệnh để có kịch bản điều hành kinh tế - xã hội, tài khóa, tiền tệ, không để xảy ra tình trạng bị động, mất kiểm soát kinh tế.

Đồng thời rà soát dự toán 2022 để tăng dự phòng, chủ động nguồn cho phòng chống dịch bệnh và  thực hiện các chính sách hỗ trợ kinh tế.

{keywords}
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân, lý do của việc phải lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương; về kế hoạch tài chính 3 năm; về tiến độ thực hiện, khả năng hoàn thành theo kế hoạch, khả năng giải ngân đối với công trình quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ khẩn trương xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế có phân chia theo giai đoạn phục hồi sản xuất công nghiệp, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Cùng với đó, xây dựng các phương án, giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tại một số địa phương. Quan tâm đến y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh.

Thu Hằng

Chủ tịch Quốc hội gợi ý giải pháp ứng phó với làn sóng bỏ phố về quê

Chủ tịch Quốc hội gợi ý giải pháp ứng phó với làn sóng bỏ phố về quê

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, có giải pháp ứng phó với hệ lụy từ làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn. Cụ thể như hỗ trợ cho doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại nơi làm việc.