XEM CLIP:

Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sáng nay, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nêu, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang vào hồi quyết liệt, đề nghị Phó Thủ tướng cho biết thái độ ứng xử, hành động của chúng ta nên như thế nào cho hiệu quả.

Ông cũng đặt câu hỏi: “Phó Thủ tướng cho biết những định hướng mang tính nguyên tắc về ứng xử và tổ chức các hoạt động trên Biển Đông để đảm bảo chủ quyền đất nước và phát triển hòa bình, ổn định, lâu dài?”.

{keywords}
ĐB Nguyễn Anh Trí

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho hay, câu hỏi của ĐB cũng là sự quan tâm không chỉ trong nước mà của cả thế giới.

Theo ông, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung hiện đã tác động đến kinh tế khu vực và thế giới. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế nêu 1 trong 4 đám mây bao phủ nền kinh tế đó là cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung.

Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá, nếu cạnh tranh thương mại này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, thương mại toàn cầu.

Dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm tới đang từ 3,5% xuống còn 3,2% và tiếp tục kéo dài thì cung cầu thương mại sẽ bị ảnh hưởng.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, bất cứ tác động nào của kinh tế thế giới cũng sẽ tác động đến kinh tế của chúng ta.

Ngay khi cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra trong năm 2018, Thủ tướng đã thành lập một ban chỉ đạo nghiên cứu đánh giá tình hình, kiến nghị chính sách.

Trong ngắn hạn, cuộc chiến thương mại này sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu, nhưng dài hạn sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung một số mặt hàng xuất khẩu.

Phó Thủ tướng nói, GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới do tác động từ chiến tranh thương mại.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, ta đã xây dựng nhiều kịch bản cũng như đề án, biện pháp cần thiết để đảm bảo nền kinh tế tiếp tục phát triển; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; kiềm chế lạm phát đảm bảo linh hoạt tỉ giá...

Tình hình hiện nay đang mở ra xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm xu hướng này có tăng lên.

{keywords}
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Minh Đạt

“Chúng ta cần chọn lọc đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên, vào phát triển chất lượng, thân thiện môi trường, phát triển công nghệ”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, chúng ta cần cảnh giác, có thể hàng hóa thông qua Việt Nam để xuất khẩu nhằm tránh đánh thuế. Cần có những biện pháp phòng vệ, ngăn ngừa gian lận thương mại.

Kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền

Phó Thủ tướng khẳng định tại Biển Đông chúng ta có đầy đủ cơ sở bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa.

"Theo luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982, Việt Nam có đầy đủ quyền lợi về kinh tế trên vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của chúng ta và chúng ta được hoạt động kinh tế trong các vùng đặc quyền kinh tế này", ông nhấn mạnh.

Quan điểm của ta là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo. Chúng ta chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và đặc biệt là không làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông.

Thời gian vừa qua, các hoạt động kinh tế của ta trên các vùng biển, đặc quyền kinh tế vẫn tiếp tục triển khai. Các lực lượng chức năng tiếp tục bảo vệ hoạt động kinh tế trên biển cũng như ngư dân đánh cá hợp pháp trên các vùng biển.

"Chúng ta kiên quyết đấu tranh với những hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo của ta thông qua biện pháp ngoại giao, các biện pháp cần thiết khác", Phó Thủ tướng nói.

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) đề cập thời gian qua tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam liên tục bị lực lượng chức năng của một số nước bắt giữ khi đang đánh bắt ở vùng biển chưa phân định ở Biển Đông giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực ASEAN.

"Vậy trách nhiệm của mình, Chính phủ cần có giải pháp như thế nào để bảo vệ ngư dân thời gian tới?", ĐB Tuấn chất vấn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, trách nhiệm của các cơ quan là bảo vệ ngư dân được đánh bắt hợp pháp trong vùng biển nước ta.

"Trong thời gian qua có trường hợp bị bắt giữ trong vùng biển, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các nước nếu như ngư dân đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp của nước ta. Và chúng ta đã đấu tranh yêu cầu phải đối xử nhân đạo, thả và bồi thường thiệt hại", Phó Thủ tướng nói.

Ông thông tin thêm, vừa qua trên vùng biển chưa được phân định có ngư dân bị bắt giữ, đó là vùng giữa Việt Nam - Indonesia. Do đó có tranh chấp, một số vụ xảy ra va chạm, mỗi lần va chạm, Bộ Ngoại giao đã trực tiếp trao đổi và phản đối đối với Đại sứ quán Inodnesia và nước Indonesia yêu cầu thả và đền bù.

Với trường hợp người dân đi đánh bắt cá khỏi vùng đặc quyền bị bắt, Bộ cũng quan tâm thông qua việc thăm lãnh sự, yêu cầu đối xử nhân đạo và thả đối với ngư dân. Đồng thời cũng phải giáo dục, tăng cường tuyên truyền để ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh bắt trong vùng biển hợp pháp của nước ta.

VN có thể thành ‘vịnh tránh bão’ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

VN có thể thành ‘vịnh tránh bão’ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Theo ĐB Hà Sỹ Đồng, Việt Nam có thể trở thành “vịnh tránh bão” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thay vì chỉ chịu tác động tiêu cực.

Hương Quỳnh - Thu Hằng - Thái An - Trần Thường