Trong phiên chất vấn Quốc hội sáng 10/11, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, hiện nay tất cả trẻ em dưới 16 tuổi chưa có kế hoạch tiêm vắc xin, ông đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết, trường hợp các cháu đi học lây lan dịch trên diện rộng thì Bộ có giải pháp gì chưa?. 

Đặt câu hỏi cùng vấn đề, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu quan điểm khi người lớn đã làm việc bình thường nhưng trẻ em thì không: "Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng ý kiến thế nào?".

Về câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Thủy liên quan việc trẻ em không được đi học, Bộ trưởng cho biết vấn đề này Bộ đã trao đổi và Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn với các địa phương. Bộ GD-ĐT và Y tế vừa rồi đã tổ chức hội nghị triển khai với tất cả các địa phương.

{keywords}
Ảnh: Thanh Tùng

“Việc trẻ em đi học chúng tôi đề nghị địa phương không vì lo lắng quá đối với dịch bệnh mà hạn chế việc học tập của trẻ em trực tiếp, nhất là lớp 1, bậc tiểu học.

Về triển khai biện pháp phòng chống dịch, chúng tôi đã có hướng dẫn với các địa phương các biện pháp với trường học để đảm bảo vừa học được, vừa đảm bảo phòng chống dịch", ông Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho rằng không nên đợi chờ vắc xin vì vắc xin chỉ tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, vậy trẻ từ 5-6 đến 11 tuổi không thể đợi chờ vắc xin. "Rủi ro ở lứa tuổi này không cao như lứa tuổi lớn, vì vậy Bộ Y tế và GD-ĐT cũng khuyến cáo các địa phương mạnh dạn đưa các cháu đi học, nhất là những vùng, xã, huyện tỉnh ở cấp độ 1 và 2", ông Long nhấn mạnh.

Người dưới 16 tuổi chưa tiêm vắc xin, Bộ trưởng Y tế cho hay, ngay tháng 3/2020 đã có hướng dẫn về phòng chống dịch đảm bảo vừa dạy vừa học, vừa đảm bảo phòng chống dịch có nhiều giải pháp.

Cụ thể từ việc thực hiện 5K, học lệch, nghỉ lệch, kể cả chào cờ, sinh hoạt tập thể đến nay vẫn áp dụng các biện pháp này đảm bảo dạy học.

Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn việc này, chúng ta không thể chờ vắc xin tiêm đủ vì có trẻ dưới 11 tuổi chưa thể tiêm. Cho nên phải đảm bảo cố gắng cho các cháu đến trường. Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo ĐBQH kỹ lưỡng hơn.

{keywords}
Học sinh ở quận 1, TP.HCM được tiêm vắc xin Pfizer. Ảnh: Thanh Tùng

Cũng liên quan đến thông tin tiêm vắc xin chế tạo theo công nghệ mRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, đến sự phát triển bình thường của trẻ, ĐBQH đề nghị Bộ trưởng Y tế cho biết ý kiến về vấn đề này và cơ sở khoa học để Bộ triển khai tiêm vắc xin đại trà cho trẻ em 12-17 tuổi để cử tri yên tâm.

Bộ trưởng Y tế cho biết, việc tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ em được đưa ra sau khi Bộ tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc và các nhà khoa học; căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Mỹ (FDA) cho phép tiêm vắc xin mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Hiện loại vắc xin này đã được tiêm ở gần 40 quốc gia.

"Cách làm của các nước cũng như chúng ta là tiêm lứa tuổi cao xuống thấp, tiêm cho nhóm có nguy cơ, bệnh lý nền, sau đó mở rộng", ông Long cho hay.

Vắc xin duy nhất được sử dụng tiêm cho trẻ em ở Việt Nam là Pfizer-BioNTech theo công nghệ mRNA. Cơ chế tác động của vắc xin này là khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen của người và giúp cơ thể sản xuất kháng thể chống lại sự xâm nhập của virus vào tế bào.

Theo ông Long, do không có sự xâm nhập trực tiếp của vắc xin vào ADN của người, cho nên những ý kiến nói rằng nó có thể gây đột biến, ảnh hưởng về sinh sản đối với trẻ đến thời điểm hiện nay đã được FDA, CDC Mỹ khẳng định không có; và Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi.

Ông khẳng định, tất cả vắc xin cấp phép sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng chuẩn chung của thế giới, đã được tham khảo tổ chức quốc tế khi quyết định dùng cho trẻ em.

Trần Thường - Hương Quỳnh - Thu Hằng

Bộ trưởng Y tế 'đau lòng' nhưng lên án cán bộ vi phạm pháp luật

Bộ trưởng Y tế 'đau lòng' nhưng lên án cán bộ vi phạm pháp luật

ĐBQH nêu tình trạng hàng loạt cán bộ y tế vướng lao lý khi sai phạm trong đấu thầu và mua bán thuốc. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đây là những vụ việc “hết sức đau lòng".