Trả lời ĐB Trương Trọng Nghĩa tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 9/11 về dự án lấn biển Cần Giờ, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: TP.HCM coi Cần Giờ là một địa bàn hết sức đặc biệt, là một biểu tượng, là lá phổi của TP.HCM.

Muốn làm gì phải dựa trên sự cân bằng về sinh thái

"Cần Giờ thể hiện con người đã phục hồi lại thiên nhiên với 31.000 ha rừng dự trữ sinh quyển, trong đó, 20.000 ha là do công sức lao động của những thanh niên xung phong TP.HCM phục hồi lại từ 11.000 ha sau chiến tranh năm 1979. Nên tôi hiểu về sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TP về vấn đề này", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Chính vì vậy, TP.HCM đã đặt vấn đề về phát triển đô thị Cần Giờ. Đến nay nếu so với nhiều quận, huyện khác, Cần Giờ vẫn là một đô thị mà mức sống, thu nhập của người dân chưa được cải thiện nhiều. Vì vậy, mục tiêu thứ nhất là phải giữ lá phổi, giữ được hệ sinh thái, sinh quyển đã được UNESCO công nhận.

{keywords}
Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

"Mục tiêu cao nhất,  muốn làm gì thì làm, phát triển kinh tế phải dựa trên sự cân bằng về sinh thái. Điều này, Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất cũng đã nhấn mạnh là con người phải thay đổi thái độ, phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng của tự nhiên", Bộ trưởng TN-MT khẳng định.

Theo ông Hà, dự án này thực chất đã được phê duyệt từ năm 2003 với diện tích lấn biển là khoảng 600 hecta, bây giờ nâng lên đô thị hơn 2.800 ha, trong đó có phần diện tích trên bờ. Với sự điều chỉnh này, Chính phủ, Thủ tướng,  Đảng bộ, nhân dân TP.HCM đã thống nhất rất cao mục tiêu nói trên. 

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khi phê duyệt,  Bộ TN-MT đã trao đổi với UNESCO. Các khung pháp lý của UNESCO cho thấy, Cần Giờ phân ba vùng:  lõi, đệm và lân cận.

"Hiện nay,  dự án nằm tiếp giáp, kết nối với phần lân cận. "Đã có văn bản chính thức của UNESCO khẳng định đây là vùng không nằm trong quản lý mà thực hiện theo đầu tư dựa trên cân bằng sinh thái do quốc gia quản lý quyết định"- ông Hà thông tin.

"Như vậy, pháp luật quốc tế và Việt Nam là phù hợp. Những tác động của dự án này đã được tính toán một cách hết sức kỹ lưỡng. Chủ đầu tư đã có ý thức khi sử dụng chuyên gia, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước để nghiên cứu. Đặc biệt, có tập đoàn của Hà Lan, đứng thứ 3 thế giới về đánh giá tác động môi trường và xã hội, tham gia thực hiện dự án này.", Bộ trưởng TN-MT cho biết. 

Những tác động rất lớn đã được tính toán

Ngoài ra, ông Hà cũng cho hay, khi thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án này,  Bộ TN-MT tiếp cận từ tinh thần của Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là không phê duyệt khi chưa nhận dạng đầy đủ các tác động. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đã đánh giá được tác động trong khu vực của đô thị, bao gồm nước sạch, không khí, chất thải, môi trường tự nhiên.

"Với mục tiêu là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, sinh quyển, chúng tôi đã tham vấn với các tổ chức bảo tồn thế giới, đặc biệt là tổ chức về đất ngập nước và xác định dự án phải đảm bảo hệ sinh thái không thay đổi", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đây là khu vực giao thoa nước ngọt và nước mặn, là nước lợ.  Nước trong khu vực này phải lên, xuống thay đổi theo triều, phải bảo vệ rừng ngập mặn và phải theo tiêu chí đảm bảo cân bằng sinh thái.

Tư lệnh ngành TN-MT cũng cho biết, vấn đề  đáng quan tâm nữa khác. Đó là khi đô thị lấn biển, phải đánh giá tác động đối với môi trường biển,  các dòng chảy hải dương học, địa chất và đặc biệt là các hoạt động liên quan đến bồi lấp, xói mòn đối với địa phương khác.

{keywords}
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng TN-MT về dự án lấn biển Cần Giờ

Đây là một khu vực có nhiều cửa sông lớn, có thể có tác động lớn thì sẽ tạo ra những xói mòn ở nơi khác.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, hiện chủ đầu tư đã gần như công khai tất cả những tác động sẽ có để các nhà khoa học trong nước và  các tổ chức đánh giá tác động môi trường, sinh thái.

Nói về vật liệu san lấp, Bộ trưởng TN-MT cho hay, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã nêu rất cụ thể là cần phải có nghiên cứu và hiện nay chủ đầu tư đang mời các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan nghiên cứu.

Chủ đầu tư đưa ra phương án lấy vật liệu tại chỗ cùng với việc để duy trì hệ sinh thái nước mặt, nước ngọt thì họ sẽ tạo ra một cái hồ rất lớn để bổ sung nước biển và nước ngọt ở khu vực ngay giữa trung tâm đô thị.

"Với việc lấy vật liệu tại đây san lấp ra bên ngoài, nếu làm được, chúng tôi cho rằng đây là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề về vật liệu san lấp", Bộ trưởng TN-MT phân tích.

Người đứng đầu ngành TN-MT cũng cho hay, những tác động rất lớn đã được tính toán, chẳng hạn như khi quy mô dân số đạt 280.000 hộ dân thì vấn đề nước ở đây được xử lý ở mức cao nhất, tương đương chất lượng nước mặt.

Với môi trường không khí, chủ đầu tư đã tính toán và bố trí một con đường đi ngay phía trên đường rừng Sác hiện nay. Đó là đường trên cao và chủ đầu tư sẵn sàng thiết kế con đường đó để làm sao kể cả có tác động của con người thì không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

"Tôi cho rằng đây là một dự án cần phải làm ở mức cao nhất và nếu thành công, đây là một dự án về kinh tế dựa trên sinh thái tự nhiên có thể là hoàn hảo", Bộ trưởng khẳng định. 

Tại phiên chất vấn sáng 6/11, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề cập đến việc,  một nhà đầu tư làm một dự án rất lớn là lấn biển Cần Giờ, có những nhà khoa học và cử tri hết sức băn khoăn sẽ tác động xấu đến khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ. 

ĐB Nghĩa đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng như Bộ trưởng TN-MT: "Các vị có theo dõi dự án này không và chúng ta làm sao để vẫn triển khai dự án, thúc đẩy kinh tế TP.HCM và của khu vực đi lên. Đồng thời, bảo vệ được khu dự trữ sinh quyển và rừng ngập mặn Cần Giờ để bà con cử tri và nhân dân yên tâm về việc này?".

Thu Hằng - Trần Thường

ĐBQH Ksor H'Bơ Khắp  chất vấn Bộ trưởng TN-MT về "ông trời và rừng"

ĐBQH Ksor H'Bơ Khắp chất vấn Bộ trưởng TN-MT về "ông trời và rừng"

ĐBQH Ksor H'Bơ Khắp tiếp tục đăng đàn chất vấn hỏi "ông trời và rừng có quan hệ gì với thực trạng môi trường Việt Nam". Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời “rừng còn quan trọng hơn trời”.