Tại phiên chất vấn của Quốc hội vào ngày 9/11, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời hàng loạt câu hỏi của ĐBQH về sáp nhập huyện xã, đơn giản hóa văn bằng, chứng chỉ; sắp xếp bộ máy; tinh giản biên chế.

Không sáp nhập cơ học

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Đình Gia, Hà Tĩnh về sáp nhập đơn vị hành chính, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, trong vòng 8 tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành phương án sắp xếp huyện, xã của 43/45 tỉnh thành. Còn 2 tỉnh Kiên Giang và TP.HCM cũng trong tháng này (tháng 11) Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Đến giờ này, cả nước đã cơ bản hoàn thành thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính từ năm 2019 - 2021. Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ tổng kết trong thời gian sắp tới có tiếp tục thực hiện sắp xếp nữa hay không.

"Trong Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, nên Nghị quyết của Quốc hội không đặt vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính của cấp tỉnh", Bộ trưởng Nội vụ cho hay.

Tuy nhiên, ông Tân cũng nhìn nhận, trong quá trình sắp xếp vừa qua có những vấn đề khó khăn đối với các địa phương như thực hiện về các chế độ, chính sách cho cán bộ, công viên dôi dư. Để thực hiện vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có Công văn số hướng dẫn việc sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư.

Cụ thể là thực hiện giải quyết theo Nghị định 26 của Thủ tướng đối với trường hợp không tái cử; thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 113, 108; thực hiện chế độ thôi việc một lần theo Luật Công chức, viên chức.

"Có thể chúng ta xem xét những trường hợp đủ tiêu chuẩn, điều kiện mà chuyển được từ công chức xã lên công chức huyện thì thực hiện theo Luật Công chức mới và điều chuyển giữa xã thiếu với xã thừa", Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Về sắp xếp bộ máy bên trong các cơ quan, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, ở Trung ương cấp vụ giảm được 12 tổ chức, cấp cục có tăng lên 7 tổ chức, cấp Tổng cục thì giảm được 4 tổ chức, trong đó riêng Bộ Công an là giảm 6 Tổng cục, nhưng thành lập 2 Tổng cục mới đó là Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục Phòng, chống thiên tai.

Ở cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn của cấp tỉnh giảm được 5 và tổ chức hành chính giảm được 12 đơn vị, ở cấp phòng giảm được 973 tổ chức và cấp chi cục giảm 127. Ở cấp huyện giảm được 294 tổ chức hành chính.

Bộ trưởng Nội vụ khẳng định năm 2021 đảm bảo hoàn thành được tinh giản biên chế công chức, từ cấp huyện trở lên đạt hơn 10% (mục tiêu là 10%); còn giảm biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp chắc chắn được 11,98%.

"Việc sắp xếp ở đây chúng ta không làm theo cơ học mà phải phải có hiệu lực và hiệu quả và đảm bảo phục vụ thuận lợi nhất cho người dân và DN", tư lệnh ngành Nội vụ khẳng định.

Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa?

Về đơn giản hóa văn bằng chứng chỉ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và Viên chức, các nghị định của Chính phủ cũng tập trung xem xét giảm bớt các thủ tục trong việc tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ.

Cụ thể, lần này nghị định Chính phủ quy định, đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD-ĐT, ví dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi  cũng không cần. 

{keywords}
ĐB Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về giảm văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tương ứng như thế, trong vấn đề tuyển sinh đại học và thi nâng ngạch, nếu những đối tượng được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.

Để thực hiện vấn đề này, trong nghị định cũng giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức sẽ ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ về tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Có những vị trí không cần phải có trình độ thì không cần phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì quy định trong từng vị trí việc làm.

Để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư sửa đổi về chuẩn của chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non và phổ thông công lập, theo đó cũng không quy định chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn đào tạo và bồi dưỡng.

Về công tác bổ nhiệm cán bộ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay, trước đây khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì bây giờ tập trung chủ yếu vào trình độ về chuyên môn, lý luận về chính trị, trình độ quản lý Nhà nước.

"Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt, bổ nhiệm, còn những văn bằng, chứng chỉ khác chỉ phục vụ trong quá trình đào tạo tiếp theo", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Thu Hằng - Trần Thường

Phó Thủ tướng nói về khả năng thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp

Phó Thủ tướng nói về khả năng thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp

Đại biểu Quốc hội đặt vấn đề có nên thành lập Bộ Tình trạng khẩn cấp để ứng phó với thiên tai, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp tục tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu những mô hình phù hợp nhất.