LTS: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là một trong những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trong năm 2021. Cuộc bầu cử năm nay càng trở nên đặc biệt hơn khi diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ tư, với nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại 2 tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh. 

Một cuộc bầu cử “3 trong 1”. Cùng một lúc, cả nước phải nỗ lực để thực hiện tốt cả 3 nhiệm vụ: Vừa tập trung ưu tiên cho phòng, chống đại dịch bệnh Covid-19; vừa tiếp tục phục hồi và duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời tập trung cao độ cho công tác bầu cử, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định.

Để cuộc bầu cử thành công, không những đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sát sao của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan Trung ương mà cần sự nỗ lực vào cuộc tận tình của từng cán bộ khu phố, tổ dân phố tại các địa phương. Đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của mỗi cử tri với lá phiếu của mình để bầu được những đại biểu thực sự tiêu biểu, xứng đáng cả về phẩm chất, đạo đức và năng lực và trí tuệ.

VietNamNet có cuộc phỏng vấn với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào 23/5 tới đây.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phúc tạp tại một số địa phương, nhưng đến thời điểm này có thể tự tin rằng mọi công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử đã hoàn tất.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Phạm Hải

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, những ngày gần đây, nhiều đoàn do lãnh đạo Bộ dẫn đầu đã trực tiếp kiểm tra công tác bầu cử tại những địa phương có dịch Covid-19 bùng phát. Đó là các tỉnh: Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... để kịp thời nắm bắt tình hình nhằm cùng với các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị cho công tác bầu cử.

Cần linh hoạt, đừng cứng nhắc quá

Qua kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, theo Bộ trưởng các địa phương cần lưu ý những gì trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử?

Qua kiểm tra, điều đáng ghi nhận là các địa phương có sự chuẩn bị rất tốt các công việc liên quan đến cuộc bầu cử, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ thời gian. Đến nay, các điều kiện vật chất, phương tiện, nhân lực, nguồn lực phục vụ cho cuộc bầu cử cơ bản được bảo đảm.

Chúng tôi đã hướng dẫn các địa phương rất kỹ lưỡng, từng bước, từng việc trong bối cảnh cụ thể như giãn cách xã hội thế nào, cách ly thế nào… Hội đồng bầu cử quốc gia cũng chỉ đạo rất sát, từng việc.

Song, điều khiến tôi lo ngại nhất là tác động từ dịch Covid-19. Ở những địa bàn đang có dịch, sự biến động của cử tri liên tục thay đổi do cử tri phải đi cách ly, số lượng công nhân ở các khu công nghiệp được nghỉ việc, số lượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng được nghỉ học về quê.

Sự thay đổi liên tục các thành viên tổ bầu cử (trường hợp bị nghi nhiễm Covid-19…), trong khi đó việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ bầu cử cho các thành viên mới bổ sung gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh. Điều này sẽ tác động, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của Tổ bầu cử trong ngày bầu cử.

Một trong những điều lo ngại nữa, đó là đến ngày bầu cử thì số lượng cử tri sẽ tập trung đông tại phòng bỏ phiếu.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà kiểm tra công tác bầu cử tại Hòa Bình

Do đó, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng ngừa sự lây lan của dịch tại các điểm bỏ phiếu cũng là vấn đề mà các địa phương có dịch đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Để tiếp tục đồng hành cùng với các địa phương có dịch tổ chức tốt cuộc bầu cử, ngay trong ngày bầu cử 23/5, Bộ Nội vụ sẽ cử các đoàn đi kiểm tra tại các điểm bỏ phiếu, nơi cử tri thực hiện quyền bầu cử.

Quan điểm của Bộ là đi thẳng vào vùng dịch để kiểm tra cuộc bầu cử. Có như vậy mới sát được và rút kinh nghiệm kịp thời, có phương án xử lý các tình huống xảy ra.

Nhưng làm sao nắm bắt được di biến động của cử tri như bà lo lắng để bảo đảm quyền bầu cử của mọi công dân?

Việc di biến động của cử tri dẫn đến những biến động nhất định trong danh sách cử tri đã được niêm yết, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát thẻ cử tri và việc thực hiện quyền bầu cử của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới.

Hội đồng bầu cử quốc gia đã có nhiều văn bản chỉ đạo về vấn đề này, hiện nay các địa phương đang rà soát, cập nhật từng ngày, từng giờ di biến động của cử tri; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa những địa phương nơi mà cử tri đã đăng ký tham gia bỏ phiếu với những địa phương nơi mà cử tri trở về quê hoặc phải đi cách ly tập trung…

Vì vậy, chính quyền quyền địa phương cơ sở phải nắm bắt sát tình hình di biến động để trao đổi, thống nhất với cử tri trong việc gạch tên khỏi danh sách nơi đã đăng ký tham gia bỏ phiếu trước đây, và bổ sung kịp thời vào danh sách cử tri nơi mới đến.

Có một vấn đề phát sinh từ di biến động cử tri hiện nay mà chúng ta cần giải quyết, đó là số lượng cử tri ở các đơn vị bầu cử giảm, không bảo đảm đủ số cử tri đi bầu cử, nhất là khi các trường đại học đã cho sinh viên nghỉ học hoàn toàn.

Các địa phương phải lường trước vấn đề này. Mới đây, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã có hướng dẫn ghép các khu vực bỏ phiếu, chẳng hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện chỉ còn cán bộ, giáo viên thì có thể ghép với khu vực bỏ phiếu dân cư ở đó và xóa tên trong danh sách cử tri đối với các sinh viên đã trở về quê.

Tuy nhiên, theo tôi, cũng cần linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục bằng việc nhắn tin, thông báo qua zalo… để địa bàn vùng đó chỉ đạo luôn, đừng cứng nhắc quá. Các trường đại học cần chủ động thông tin để sinh viên trở về địa phương được thực hiện quyền bầu cử. Lúc này máy móc quá sẽ rất khó, vì đây là tình huống phát sinh.

Vì vậy, ngoài việc rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình biến động của cử tri trong danh sách, cần có phương án chuẩn bị số lượng phù hợp các hòm phiếu phụ, thẻ cử tri, phiếu bầu dự phòng và các điều kiện bảo đảm cần thiết khác cho công tác tổ chức bỏ phiếu trong ngày bầu cử, để bảo đảm tất cả cử tri đều thực hiện quyền bầu cử theo quy định của pháp luật.

Bỏ phiếu xong trước giờ quy định cũng không được tuyên bố kết thúc

Bộ Nội vụ có giải pháp gì để tránh tình trạng bầu hộ, bầu thay?

Để tránh tình trạng đi bầu thay, Thông tư số 01/2021 ngày 11/1 của Bộ Nội vụ đã quy định rất cụ thể. Theo đó, cử tri phải tự mình đi bầu, không được nhờ người khác bầu hộ, bầu thay. Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri phải xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu.

Trường hợp cử tri không thể tự gạch phiếu bầu thì nhờ người khác gạch phiếu hộ nhưng phải tự mình đi bỏ phiếu. Trường hợp người khuyết tật không thể bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu. Các thành viên tổ bầu cử đã được tập huấn kỹ nội dung này nên sẽ khắc phục được tình trạng đi bầu thay, bầu hộ.

Xem Clip 6 bước bỏ phiếu bầu cử:

Theo Bộ trưởng, việc kiểm phiếu được tiến hành như thế nào và những ai được chứng kiến để kết quả đảm bảo khách quan, chính xác?

Theo quy định của pháp luật thì việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi hết giờ bỏ phiếu (7h tối ngày 23/5, trường hợp Tổ bầu cử kéo dài thời gian bỏ phiếu thì kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9h tối cùng ngày).

Đối với các trường hợp thực hiện cuộc bầu cử tại các khu vực cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện thì để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, Hội đồng bầu cử quốc gia và Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn về việc có thể tiến hành kiểm phiếu ngay tại cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế, bệnh viện mà không phải đưa hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu.

Điểm mới trong đợt bầu cử lần này là trường hợp số cử tri trong danh sách đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu đạt 100% trước giờ quy định thì Tổ bầu cử không được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu và không được kiểm phiếu trước thời điểm 7h tối ngày 23/5.

Việc này để đảm bảo tính khách quan trong công tác kiểm phiếu cũng như khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong việc hoàn thành bỏ phiếu sớm mà dẫn đến vi phạm pháp luật về bầu cử. Việc kiểm phiếu phải bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia của người chứng kiến theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

 

Kỳ bầu cử này, cả nước có 69.198.594 cử tri tham gia bỏ phiếu bầu cử. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, hiện có khoảng 110 nghìn người đang cách ly y tế tại 27 địa phương.
Bộ Nội vụ và Bộ Y tế đã hướng dẫn 4 kịch bản bầu cử đối với những khu vực này. Vấn đề quan trọng là các địa phương quyết định phương án tổ chức bầu như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, tình hình thực tế, vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống và ngăn ngừa khả năng lây lan của dịch bệnh, vừa phục vụ an toàn cho công tác bầu cử, để cuộc bầu cử được diễn ra thuận lợi, thông suốt, tiết kiệm và đúng luật.

 

Thu Hằng (thực hiện)

Gần 69,2 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND

Gần 69,2 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử Đại biểu Quốc hội và HĐND

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cả nước có gần 69,2 triệu cử tri sẽ thực hiện quyền bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp vào ngày 23/5.