Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021).

Đã khởi tố 23 vụ, 31 bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh quốc gia, Cơ quan An ninh điều tra các cấp đã khởi tố 23 vụ (giảm 11,54%), 31 bị can (giảm 40,38%) phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần xử lý nghiêm các đối tượng.

Theo nhận định của Chính phủ, tình hình an ninh quốc gia còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước gia tăng các hoạt động chống phá, nhất là nhằm vào các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và lợi dụng những sơ hở thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

An ninh mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, nhất là hoạt động tấn công, phát tán mã độc, phần mềm gián điệp mạng nhằm vào hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước.

Cụ thể, các lực lượng đã phát hiện 1.822 trang thông tin điện tử có tên miền “.vn” bị tin tặc tấn công, chèn biệt danh, thông điệp tin tặc; trong đó có 446 trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

{keywords}
Bệnh viện Bạch Mai

Bên cạnh đó, an ninh kinh tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ thách thức, rủi ro do tác động của đại dịch Covid-19. Tình hình khiếu kiện tuy giảm nhưng còn nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp chưa được giải quyết triệt để.

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, Bộ Công an tập trung xử lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch Covid-19 để hoạt động; tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, truy nã tội phạm, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. 

Trong thời gian qua, các lực lượng đã điều tra, khám phá 38.027 vụ, đạt tỷ lệ 87,05%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; triệt xóa 2.284 băng, nhóm tội phạm; bắt, vận động đầu thú và thanh loại 6.067 đối tượng truy nã, trong đó có 1.562 đối tượng nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.

 

Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế đã được phát hiện, xử lý như: Vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La... 

Các vi phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hóa y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19. 

Vụ án vi phạm hoạt động đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các công ty liên quan đã khởi tố, bắt tạm giam 7 bị can, trong đó có nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng, Phó trưởng phòng của Bệnh viện và bước đầu xác định 2 gói thầu gây thất thoát trên 40 tỷ đồng.

 

 

Ngoài ra, toàn quốc ghi nhận xảy ra 43.683 vụ phạm tội (giảm 8,06%), làm chết 1.040 người (giảm 13,26%), bị thương 8.851 người (giảm 12,11%), thiệt hại tài sản gần 1.800 tỷ đồng (giảm 5%).

Đáng lưu ý, số vụ hiếp dâm trẻ em tăng 9,26%, giao cấu với trẻ em tăng 2,64%, trong đó có nhiều vụ tính chất nghiêm trọng. 

Tội phạm giết người tuy giảm về số vụ nhưng xảy ra một số vụ hành vi gây án dã man.Tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tăng 4,19%, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là trên không gian mạng với các thủ đoạn mời gọi đầu tư tiền ảo, cổ phiếu theo hình thức đa cấp, chuyển tiền quốc tế, mua bán lan đột biến gen, đất nền các dự án.

Báo cáo cũng cho thấy, tội phạm chống người thi hành công vụ tiếp tục gia tăng với tính chất phức tạp, trong đó số vụ chống lực lượng thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 chiếm 22,81%; số vụ chống lại lực lượng công an chiếm 69,89%, làm 9 chiến sĩ hy sinh, 204 cán bộ bị thương.

Điều này phản ánh sự coi thường pháp luật của một bộ phận người dân, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội.

"Nhìn chung, tình hình tội phạm được kiềm chế, một số loại tội phạm giảm sâu một phần là do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch nên đã hạn chế điều kiện, khả năng hoạt động. Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp", báo cáo nêu rõ.

Công tác quản lý đấu thầu, chỉ định thầu còn nhiều sơ hở

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể hơn nữa về hiệu quả của công tác phòng ngừa với các loại tội phạm này, các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và có giải pháp để đấu tranh có hiệu quả trong thời gian tới.

Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn nhiều sơ hở, bất cập tạo điều kiện cho các đối tượng thông đồng để trục lợi, gây thất thoát lớn tài sản của nhà nước.

Cơ quan thẩm tra dẫn chứng vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Bệnh viện Tim Hà Nội; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Quảng Ninh; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty thoát nước Hà Nội trong vụ mua chế phẩm Redoxy 3C…

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý việc quản lý các đối tượng tâm thần đang chữa bệnh bắt buộc tại một số cơ sở y tế còn có sơ hở, để đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật. Đáng chú ý có cả trường hợp người đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc tổ chức sử dụng, mua, bán ma túy ngay tại cơ sở chữa bệnh và có sự tiếp tay của nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, dư luận cử tri ghi nhận sự đóng góp tích cực của một số cá nhân hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, để ngăn ngừa khả năng xảy ra tình trạng trục lợi của một số cá nhân khi thực hiện hoạt động từ thiện có kêu gọi đóng góp từ nhân dân thì cần sớm có quy định của pháp luật về vấn đề này. 

Thu Hằng

Công an làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai

Công an làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai

Tối 21/10, nhiều lượt ô tô chở công an, kiểm sát viên ra vào khu vực tòa nhà Việt - Nhật, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).