Điểm đặc biệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh là việc triển khai đồng loạt trên 125 xã. Trong đó, khu vực đô thị đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ vùng nông thôn và kéo được cả doanh nghiệp cùng tham gia.

Top 13 tỉnh, thành phố xây dựng nông thôn mới

Theo Báo cáo Kinh tế Xã hội 2015 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, đến hết 2015, tổng số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn là 86xã, vượt mục tiêu về số xã (04 xã) so với Nghị quyết 01 đề ra là 82/125 xã; 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (thị xã Đông Triều đã được công nhận, đã hoàn chỉnh hồ sơ huyện Cô Tô và thành phố Uông Bí). Thu nhập của người dân nông thôn tại điạ phương cao gấp 1,5 - 2 lần so với năm 2010 (dự kiến đạt 25 triệu đồng/người/năm).

{keywords}
Nông dân trồng thanh long ở huyện Ba Chẽ. Ảnh: quangninh.gov.vn

Đặc biệt, nông thôn đã phát triển theo quy hoạch; hạ tầng kĩ thuật được đầu tư đồng bộ; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên; dân chủ từng bước được mở rộng; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; bộ mặt nông thôn được cải thiện rõ rệt.

Tính riêng về xây dựng hạ tầng nông thôn theo chính sách hỗ trợ vật liệu trên toàn tỉnh đã đạt tổng mức là 868,7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 351,92 tỷ đồng (bằng 40,5%); nhân dân đóng góp (cả quy đổi bằng tiền) là 515,79 tỷ đồng (bằng 59,5% tổng mức đầu tư các công trình).

Số công trình được đầu tư là 1.210 công trình, trong đó giao thông 804 công trình với tổng chiều dài 598,98 km; thủy lợi 88 công trình với tổng chiều dài 84,4 km; nhà văn hóa thôn và các công trình khác là 102 công trình.

Với thành tích này, Quảng Ninh được biểu dương là 1 trong 13 tỉnh, thành phố có thành tích tốt nhất trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Và mới đây nhất, Quảng Ninh đã vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Thủ tướng chính phủ trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011- 2015.

Hiện, tỉnh đang thí điểm triển khai mô hình “Nông thôn tiên tiến” tại 3 xã ở thị xã Đông Triều nhằm nâng cao chất lượng, phát triển bền vững nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phát động và triển khai sâu rộng chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm, cách làm riêng có của Quảng Ninh nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế; từng bước đưa người nông dân thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Nhiều lực đẩy cho nông thôn mới

Là một tỉnh công nghiệp nhưng Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 NQ/TU ngày 27/10/2010; HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 39/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 về xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 -2020; UBND tỉnh và các cấp, các ngành, đoàn thể, các huyện, thị xã, thành phố đã có chương trình hành động và kế hoạch cụ thể để thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Điều đặc biệt là tỉnh xây dựng nông thôn mới không chỉ tạo điểm nhấn mà triển khai đồng loạt trên 125 xã, thực hiện ở tất cả các tiêu chí, làm đến đâu dứt điểm đến đó để phát huy hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng huy động tối đa nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua các địa phương khu vực thành phố, thị xã, khu vực đô thị đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ các địa phương khó khăn bằng tinh thần và vật chất trị giá gần 20 tỷ đồng. Điển hình như Thành phố Hạ Long hỗ trợ huyện Ba Chẽ trên 9 tỷ đồng, Thành phố Uông Bí hỗ trợ huyện Hoành Bồ trên 6 tỷ đồng…

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã ủng hộ 12.690 tấn xi măng, 1.525.000 viên gạch chỉ và 2.000 m2 gạch lát nền; ủng hộ xây dựng lưới điện Cô Tô trên 205 tỷ đồng; hỗ trợ công trình với phương thức “Chìa khóa trao tay” với trên 30 công trình với tổng kinh phí trên 104 tỷ đồng; hỗ trợ giảm 10% giá các nguyên vật liệu xây dựng...

Người dân không chỉ đóng góp công sức, tiền của, hiến đất, hiến kế… mà còn vay vốn từ các tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chỉ tính riêng trong 2015, ước tính việc huy động nguồn lực cho chương trình nông thôn mới đạt gần 58.000 tỉ đồng.

Để tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, giữ vững danh hiệu lá cờ đầu trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong phạm vi cả nước, hiện Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai thực hiện tốt Quyết định số 800 QĐ - TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 01 NQ/TU ngày 27/10/2010 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 39/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2020 có 80% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

D,Minh (tổng hợp)