- Khi được hỏi về câu chuyện cán bộ có phần đặc biệt của tỉnh nhà, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Hồng Cẩm nói luôn: Sắp tới còn làm ghê hơn nữa.

Dân chủ

Chuyện tuyển chọn cán bộ quản lý bằng các hình thức cạnh tranh đã có một số địa phương làm, ngay ở Quảng Ninh, nhiều trưởng, phó các phòng ban chuyên môn ở các sở đã được bổ nhiệm theo cách này từ năm 2009. Nhưng đối với cấp phó giám đốc sở thì trường hợp ông Ngô Văn Hợi, Sở Giáo dục - Đào tạo, năm 2011 sau khi bảo vệ thành công đề án công tác, là lần đầu tiên.

Dựa trên cơ sở cán bộ được quy hoạch, ít nhất 2 người được giới thiệu cho những chức danh đang khuyết. Sau khi được cơ quan tín nhiệm giới thiệu, các ứng cử viên làm đề án, trong đó đưa ra những giải pháp cho một vấn đề đang bức xúc hoặc có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của ngành và địa phương.

Họ phải bảo vệ đề án trước một hội đồng gồm 7 người và một hội nghị cán bộ, công chức, viên chức ngành có thể lên đến 100 người.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, cách làm này đề cao tính dân chủ, cho cán bộ cơ hội thể hiện năng lực, việc trình bày đề án và trả lời chất vấn trực tiếp bộc lộ đầy đủ năng lực, trình độ, mặt mạnh, yếu của mỗi ứng viên.

Quảng Ninh cũng cho thấy họ không "lãng phí" những người đã trải qua "khóa đào tạo" trên dù không đi đến đích cuối cùng. Người về thứ hai trong cuộc cạnh tranh làm Phó giám đốc Sở Giáo dục năm 2011 sau đó đã nhận công tác mới ở Văn phòng Tỉnh ủy.

Cách làm tiến bộ này ấy thế mà đã vừa trở thành "cũ" khi tỉnh cải tiến thêm một bước để hoàn thiện quy trình lựa chọn cán bộ: thi tuyển lãnh đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính (giữa) và các thí sinh dự thi.
Ảnh: Báo Quảng Ninh

Ngày 12/1 vừa qua, tỉnh đã tổ chức thi và chọn được 2 nữ cán bộ cho vị trí Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông và Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long. Trước khi ứng thí, bà Phạm Hồng Lan (45 tuổi) là Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, bà Phạm Thùy Dương (37 tuổi) giữ chức Giám đốc Trung tâm Bảo tồn công viên Vạn Cảnh, Ban quản lý vịnh Hạ Long.

Họ đã trình bày đề án trước ban giám khảo gồm 15 ủy viên BCH đảng bộ tỉnh, do Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính làm trưởng ban. Với những ý tưởng, giải pháp riêng mà mỗi người đưa ra đối với đề bài mở là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực mình ứng thí, họ được ban giám khảo chấm điểm dựa trên chất lượng đề án và hiệu quả trả lời chất vấn trực tiếp.

Vì hai chức danh trên đang trống, những người trúng tuyển có thể được bổ nhiệm chỉ trong vòng một tháng sau khi thi.

Mời gọi cả người tỉnh ngoài

Tỉnh Quảng Ninh đang đi đầu trong việc thi tuyển phó giám đốc sở, nhưng trong tương lai, chức danh giám đốc sở cũng như tất cả các chức danh cần chọn người đảm nhiệm đều phải thi tuyển, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Hồng Cẩm khẳng định.

Xem clip Quảng Ninh đi đầu trong việc thi tuyển phó giám đốc sở:

Ông Cẩm cho biết sau khi thông báo thi tuyển cho hai chức danh trên được phát đi trên các báo đài của tỉnh và trung ương cách đây 3 tháng, đã có 20 người đăng ký, sau vòng chấm sơ khảo còn 13 người.

"Người đủ điều kiện đăng ký cần giữ chức từ trưởng phòng trở lên, khuyến khích những người làm trong các lĩnh vực liên quan, gần gũi với nhiệm vụ của chức danh cần tuyển", ông Cẩm nói. "Trong những người vượt qua vòng sơ khảo, người nhiều tuổi nhất sinh vào những năm 1960, người trẻ nhất sinh năm 1982 và đang là trưởng phòng ở một báo trực tuyến trong tỉnh".

Ông Cẩm cũng khẳng định thông báo thi tuyển không hạn chế người trong tỉnh, bất cứ ai thấy đủ điều kiện, có quan tâm và hiểu biết về các lĩnh vực này ở Quảng Ninh đều có thể ứng thí. Tuy nhiên, có lẽ vì đây là lần đầu tiên nên chưa có cán bộ ngoài tỉnh nào nộp đơn.

Ông tỏ ý lạc quan rằng nhờ cách làm này, Quảng Ninh sẽ sớm xây dựng được một đội ngũ cán bộ thăng tiến qua thi cử công khai, công bằng, nắm giữ cương vị cao nhờ chứng minh được năng lực làm việc.

"Có lẽ sẽ mất khoảng chục năm, vì hiện giờ ta vẫn đang trong thời kỳ quá độ, vừa có những cán bộ thăng tiến qua thi thố, vừa có những người 'sống lâu lên lão làng'", ông Cẩm chia sẻ. "Cần từ từ thay đổi nhưng phải quyết tâm thay đổi, vì nếu họ có thể phối hợp tốt thì sẽ nâng nhau lên, nếu ngược lại sẽ là hủy diệt nhau".

Do đó, như Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh Đỗ Văn Thuấn, không ngần ngại chia sẻ, các cán bộ lãnh đạo để được bổ nhiệm lại cũng không dễ dàng. "Sau 5 năm giữ chức, cán bộ lãnh đạo tuy không phải làm đề án, nhưng phải kiểm điểm công tác, tự đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đưa ra các giải pháp dự kiến để khắc phục những hạn chế, phát huy những thành tích", ông Thuấn nói. "Nếu tiếp tục nhận được tín nhiệm của cơ quan họ mới được bổ nhiệm lại".

Những người mới được bổ nhiệm qua thi tuyển, sau 5 năm cũng sẽ phải chứng tỏ mình làm được những điều đã hứa nếu muốn được bổ nhiệm lại. Chính vì vậy, ông Phạm Hồng Cẩm khẳng định chắc nịch: "Tới đây ở Quảng Ninh, ai muốn lên chức đều phải thi".

Chung Hoàng
Nguồn clip: VTV