- Lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng 1 năm thu được từ khai thác quảng cáo trên xe buýt hứa hẹn sẽ chấm dứt khoản bù lỗ mà ngân sách thành phố đang gánh chịu.

Trong văn bản từng gửi UBND TP HCM, Bộ VH-TT-DL khẳng định quyết định của TP.HCM cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải là chưa phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động quảng cáo.

Giảm gánh nặng bù lỗ

Ngày 31/10, sau hơn 2 năm quy định cấm quảng cáo bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải UBND TP.HCM đã chấp thuận phương án xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt nhằm cứu khoản ngân sách mà thành phố đang bù lỗ cho phương tiện công cộng này.

 

Theo đó, từ đầu năm 2011 đến nay TP.HCM đã phải bù lỗ 1200 tỷ đồng cho 119 tuyến xe buýt lưu thông trên các tuyến đường. Do điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, chi phí nhiên liệu và khối lượng vận chuyển học sinh - sinh viên tăng nên vừa qua thường trực UBND TP.HCM đã quyết định chấp thuận bổ sung khoản ngân sách trợ giá xe buýt năm 2011 là 433,869 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng không thể cứ tiếp tục lấy ngân sách bù lỗ cho xe buýt vì tiền ngân sách cũng là tiền của dân. Trong khi việc tận dụng hình thức quảng cáo trên xe buýt lấy nguồn thu bù đắp phần chi phí trợ giá bị bỏ ngỏ trong một thời gian dài là hợp lý.

Từ ý kiến này, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất phương án giao cho một công ty cổ phần thực hiện đề án khai thác quảng cáo thương mại và giao Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP làm các thủ tục để triển khai đề án trên.

Theo khảo sát sơ bộ của Phòng quản lý vận tải và công nghiệp Sở Giao thông vận tải, quảng cáo trên xe buýt sẽ thu được ít nhất 100 tỉ đồng/năm. Đây mới chỉ là con số dự tính vì trên thực tế có thể cao hơn.

Hiện ngay tại thị trường Hà Nội, số tiền quảng cáo thu được của 1 xe buýt/1 năm vào khoảng 3000USD. Trong khi đó, thị trường TP.HCM rộng hơn, cùng với số lượng xe buýt lên đến 3200 xe các loại nên hứa hẹn có khả năng thu về hàng trăm tỷ đồng 1 năm.

Sợi chỉ không buộc được chân voi

Việc chấp thuận đề án xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt không phải vấn đề mới lạ tại TP.HCM.

Tuy nhiên, xung quanh quy định cấm quảng cáo trên xe buýt mà TP.HCM từng phê duyệt đã gây nhiều tranh cãi trong suốt thời gian dài.

Theo đó, ngày 05/06/2009, UBND TP.HCM ban hành quyết định 39 cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải (trong đó có xe buýt). Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/06/2009 và ngay sau đó bị Bộ VH-TT-DL “phản ứng”.

Trong văn bản gửi UBND TP HCM, Bộ VH-TT-DL khẳng định quyết định của TP HCM cấm quảng cáo trên các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải là chưa phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật quy định về hoạt động quảng cáo.

"Quảng cáo trên phương tiện giao thông là được phép, Sở VH-TT-DL là cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện quảng cáo cho các nội dung quảng cáo trên phương tiện giao thông".

Thậm chí, Sở Giao thông vận tải trong một nỗ lực cuối cùng đã làm hẳn Đề án cho thuê quảng cáo bên ngoài thành xe buýt, trong đó mức giá thuê dự kiến từ 33 triệu đến 50 triệu mỗi m2 ngoài thành xe tùy thuộc từng loại xe.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2008, ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TP HCM đã ký văn bản tạm ngừng Đề án trên vì hoạt động quảng cáo của thành phố vẫn còn nhiều thiếu sót, sơ hở, lỏng lẻo, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục.

Một cán bộ Cục Văn hóa thông tin cơ sở nói, cả nước chẳng có nơi nào cấm quảng cáo trên phương tiện công cộng như TP.HCM. Đã có quy định cấm quảng cáo mặt tiền và sau xe, tỉ lệ thích hợp là không được quá 50%, không ảnh hưởng tầm nhìn, không vi phạm an toàn giao thông, không mất mỹ quan, không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục. Quy định có rồi, chế tài có rồi thì cứ thế mà làm.

Ngay sau khi UBND TP.HCM chấp thuận phương án cho phép khai thác quảng cáo trên xe buýt, hầu hết các đơn vị hợp tá xã vẫn tải đều tỏ ý tán thành.

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải Sài Gòn, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải và Du lịch số 15 bày tỏ: “Đúng ra việc quảng cáo trên xe buýt đã phải được thực hiện vài năm nay rồi nhưng do vướng quyết  định 39 nên không được thực hiện. Quảng cáo để có doanh thu, giảm gánh nặng ngân sách thì rõ ràng triển khai càng sớm càng tốt”.

Quốc Quang