- Gặp gỡ cử tri quận Ba Đình, Tổng bí thư nói, bầu bổ sung nhân sự Bộ Chính trị là việc cần thiết, quan trọng là chọn nhân sự có đúng không.

Chiều 13/5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội trước kỳ họp QH sẽ khai mạc tuần tới.

Chuẩn bị bỏ phiếu không tốt sẽ tác dụng ngược

Một trong các vấn đề được nhiều cử tri quan tâm là việc lấy phiếu tín nhiệm nhân sự cấp cao lần đầu tiên được tiến hành tại QH.

Cử tri Lâm Thắng (phường Thanh Công) chia sẻ, việc lấy phiếu tín nhiệm nếu không chuẩn bị tốt có thể kết quả sẽ ngược và như vậy sẽ rất nguy. Bởi có người sẽ coi kết quả lấy phiếu đó làm "bùa hộ mệnh" cho mình. Đó là cơ hội cho những người tuy kém phẩm chất, kém năng lực nhưng lại giỏi chạy, giỏi vận động.

{keywords}
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và cử tri quận Ba Đình, Hà Nội chiều 13/5

Ông Thắng phân tích, kết quả triển khai nghị quyết TƯ 4 chưa được như mong muốn khi mà có người, có việc tưởng như sai phạm rất rõ nhưng rồi cuối cùng không xử lý ai, vậy là trôi qua mất.

Kết quả hội nghị TƯ 7 vừa bế mạc cách đây 2 ngày cũng khiến nhân dân băn khoăn bởi qua hai vòng bầu nhưng chỉ bổ sung được 2 ủy viên Bộ Chính trị. “161 ủy viên Trung ương còn lại không ai đủ tiêu chuẩn để bầu vào Bộ Chính trị hay sao?”, ông Thắng phân vân.

Ông Thắng dẫn chứng một vụ việc vừa xảy ra, đó là ở một trường ĐH lớn tại Hà Nội khi hiệu trưởng vừa nghỉ thì ông hiệu phó liền tổ chức một bữa đại tiệc ở một nhà hàng lớn để vận động và gửi quà đến tất cả những người được bỏ phiếu để bỏ cho mình.

Ông Lâm Thắng đề xuất: “Cần lãnh đạo chặt chẽ việc tổ chức lấy phiếu, không chủ quan, đơn giản, vội vàng ở các khâu, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nên làm tràn lan. Nếu phát hiện có ai chạy chọt, vận động, mua chuộc thì phải hủy ngay kết quả lấy phiếu của người đó”.

Trung tướng Phạm Hồng Cư nêu ý kiến, cái thuận của việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm là Đảng vừa trải qua thời gian thực hiện nghị quyết TƯ 4. Do đó, kết quả tự kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết có thể xem là một căn cứ để đại biểu QH thêm thông tin.

{keywords}
Trung tướng Phạm Hồng Cư: Kết quả tự kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết TƯ 4 có thể là một căn cứ để đại biểu QH thêm thông tin

“Đại biểu không chỉ nói lên ý cá nhân mình mà xin nhớ là đại biểu của nhân dân”, Trung tướng Phạm Hồng Cư nói.

Tránh chạy chọt, vận động

Đáp lại những băn khoăn của cử tri về lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư chia sẻ, do đây là vấn đề mới nên trong cách làm sẽ phải rất thận trọng để xem kết quả thực hiện có chính xác không, hay bị làm cho méo mó, sai lệch. Tránh để xảy ra tình trạng người tốt thì bị loại bỏ, rồi xuất hiện chạy chọt, lôi kéo vận động phiếu…

“Gần đây báo chí hay nói trách nhiệm của đại biểu QH, đại biểu HĐND rất lớn, đó là cần trong sáng, công tâm, khách quan, bỏ phiếu không để bị chi phối. Điều ấy đòi hỏi bản lĩnh, trình độ, và sự trong sạch khách quan, dân chủ. Đại biểu phải thể hiện ý kiến của mình”, ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Để có được sự công tâm, khách quan đó, theo ông, mỗi đại biểu rất cần được cung cấp đầy đủ thông tin, đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều thông tin chưa kiểm chứng được đưa ra thì đại biểu phải hết sức cân nhắc.

Bầu có số dư đôi khi lại phân tán phiếu

Tổng bí thư cũng dành thời gian chia sẻ về nội dung bầu bổ sung nhân sự tại hội nghị TƯ 7.

{keywords}
Tổng bí thư: Chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư. Thế là đôi khi lại bị phân tán

Theo ông, đây là việc cần thiết bởi bây giờ đã là giữa nhiệm kỳ, nếu không bổ sung thì sẽ không tăng cường được nhân sự trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư như kế hoạch.

“Đến một lúc nào đó, người ngấp nghé tuổi lại quá tuổi mất rồi, lại lỡ. Hoặc là khi bổ sung vào thì lại đến lúc chuẩn bị vào ngay Đại hội rồi. Quan trọng là chọn nhân sự có đúng không, có công tâm, khách quan không, và cách làm có bảo đảm dân chủ, tập trung, chặt chẽ, lắng nghe nhiều và lựa chọn có chính xác hay không”,  ông Nguyễn Phú Trọng  chia sẻ.

Tổng bí thư giải thích, thẩm quyền bầu chọn thuộc Ban chấp hành TƯ, Bộ Chính trị cũng chỉ làm khâu chuẩn bị để đưa ra TƯ. Theo dự kiến sẽ bầu bổ sung 3 nhân sự vào Bộ Chính trị, kết quả chọn được 2 người. Dự kiến bổ sung thêm 2 người vào Ban Bí thư thì chỉ chọn được một.

“So với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó TƯ cũng không hài lòng. Nhưng cơ chế bầu của chúng ta là phải có số dư, trong không khí dân chủ này phải có số dư. Bây giờ đang nói là chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn. Thế là đôi khi lại bị phân tán. Phải tôn trọng các ý kiến đưa ra”, Tổng bí thư nói.

Trả lời câu hỏi về việc liệu kết quả bầu chọn có mang tính chủ quan hay sai lệch, Tổng bí thư nhắn nhủ, phải theo dõi mới biết được xem bản lĩnh, trình độ, năng lực như thế nào.

Về dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong lịch sử lập pháp nước ta chưa bao giờ có việc tổ chức lấy ý kiến một cách sâu rộng, thu hút nhiều sự quan tâm như lần này. Đây là một thành công rất lớn, phát huy trí tuệ cao độ của nhân dân.

Ban Bí thư cũng khái quát 3 điểm lớn. Điểm nào đồng nhất, điểm nào ý kiến còn đang khác nhau, điểm nào không phù hợp hoặc mang tính chất chống đối chế độ, chống đối Đảng thì kiên quyết phản bác.

“QH sẽ lọc ra các loại ý kiến khác nhau. Nếu còn những ý kiến chưa thuyết phục được nhau lắm thì đưa ra QH tiếp tục thảo luận”, Tổng bí thư cho biết.

Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng