- Sau khi nghe góp ý của các ủy viên UBTVQH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong điều hành của Chính phủ để “chúng ta không thua ngay trên sân nhà khi hội nhập”.

Đề xuất tường thuật trực tiếp tổng kết nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Thủ tướng

Báo cáo nhiệm kỳ Chính phủ, Thủ tướng trước UBTVQH chiều nay, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh: ”Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức và còn nhiều hạn chế, yếu kém nhưng chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra”.

{keywords}
Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định

Ông cũng cho biết trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt, trong đó có tăng trưởng GDP. Tuy nhiên chỉ tiêu này năm 2014 và 2015 đã có chuyển biến tích cực, vượt kế hoạch đề ra.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá, Chính phủ đã thể hiện được vai trò là cơ quan hành chính cao nhất của nhà nước, cơ quan hành pháp quản lý mọi vấn đề đời sống.

“Nhiệm kỳ qua đã thực hiện 17 chỉ tiêu, 9 chỉ tiêu chưa đạt, trong đó có GDP chưa đạt, chỉ tiêu huy động vốn xã hội… Đây là điều đáng suy nghĩ để chuẩn bị cho nhiệm kỳ tới đây”, Phó Chủ tịch QH lưu ý.

Trả lời hơn 900 câu hỏi chất vấn trực tiếp

Ông Định cho biết trong nhiệm kỳ, các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 900 câu hỏi chất vấn trực tiếp và gần 1.500 phiếu chất vấn của ĐBQH; xem xét, giải quyết các kiến nghị của cử tri với tinh thần trách nhiệm cao.

Việc xây dựng luật, pháp lệnh cơ bản bảo đảm tiến độ, giảm dần tình trạng xin lùi, xin rút. Chính phủ đã trình và được QH, UBTVQH thông qua 105 luật, pháp lệnh, chiếm trên 92%.

{keywords}
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Phó Chủ nhiệm VPCP, trong nhiệm kỳ này, cơ cấu Chính phủ giữ ổn định với 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan trực thuộc. Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ năm 2011 đến nay đã đơn giản hóa 94,7% thủ tục.

Bộ máy còn cồng kềnh, tạo khe hở cho tham nhũng

Bên cạnh những tiến bộ và kết quả đạt được, Chính phủ, Thủ tướng đã nghiêm túc nhìn nhận còn những hạn chế, yếu kém. Cụ thể như công tác chỉ đạo điều hành trong một số lĩnh vực còn những gặp nhiều khó khăn, thách thức, dự báo còn hạn chế, thiếu tầm nhìn dài hạn…

Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế. Đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng báo cáo còn nặng tính hành chính và tập trung chủ yếu vào những kết quả đạt được trên các lĩnh vực.

Từ đó, UB đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể rõ ràng hơn những hạn chế, thiếu sót, nêu rõ định hướng, nhu cầu và khả năng đáp ứng của công tác xây dựng thể chế trong 5 năm tới.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Pháp luật QH Phan Trung Lý 

UB Pháp luật cũng đề nghị, Chính phủ bổ sung những đánh giá khái quát việc chỉ đạo, điều hành của mình; nêu lên những mặt được, chưa được, nguyên nhân và trách nhiệm.

Đáng chú ý về cải cách hành chính, ông Lý nói Chính phủ dù đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận nhưng đến nay kết quả cải cách chưa cao, một số thủ tục còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng xin - cho.

“Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh, tạo nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao… gây lãng phí, tốn kém cho xã hội”, ông Lý nói.

Ông cũng lưu ý, hiện nay vẫn còn nhiều nội dung trong các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế chưa được phổ biến làm doanh nghiệp chậm chân, thua thiệt các đối tác nước ngoài ngay trên sân nhà.

Tiếp thu các ý kiến của UBTVQH, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa, Chính phủ sẽ hoàn thiện báo cáo. Trong đó Chính phủ lắng nghe các góp ý để sửa chữa những bất cập trong thời gian tới. Trong đó có việc khắc phục những bất cập về hội nhập quốc tế để chúng ta “không thua ngay trên sân nhà”, ông nhấn mạnh.

Nhà đầu tư Nhật sợ nhất “chi phí gầm bàn”

Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu lên một số lo ngại, trong đó có tình trạng tham nhũng, lãng phí. “Chúng ta lên dốc rồi nhưng cần nhấn thêm bước nữa thì mới thành công. Các nhà đầu tư Nhật nói sợ nhất ở VN là 'chi phí gầm bàn'. Chúng ta làm sao cứ để nhà đầu tư nói như thế này”.

Ngoài ra ông cũng nêu lên con số năm 2011 có 54 ngàn DN ngừng hoạt động thì đến nay có đến 71.391 DN giải thể. “Tình trạng này do tất yếu hay do chính sách? Tôi nghiên cứu do mặt tự nhiên, theo quy luật thị trường cũng có nhưng cũng có mặt chủ quan về chính sách”, ông nói.

Ông đề nghị nhiệm kỳ tới tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính. “Nước ngoài đã thừa nhận chính sách của chúng ta minh bạch, đủ công khai rồi. Nhưng theo tôi mắt xích lớn nhất là con người, nằm ở bộ máy công quyền”.

Thu Hằng