Chưa bao giờ công chúng mê phượt - đi trải nghiệm thực tế tới mọi nơi muốn đến bằng đủ loại phương tiện đơn giản- như bây giờ. Năm con ngựa 2014, bất chấp kinh tế khó khăn, thế giới đầy sự kiện bất ổn, trào lưu phượt càng sôi động. Đủ kỹ năng để phượt hữu ích, nhiều bạn trẻ đã tự làm giàu mình bằng vô số bài học đường xa…

Đóng cửa, lên đường!

Ngẫu nhiên đụng đầu cô bạn cũ trên bờ cát Tịnh Khê (Sơn Tịnh- Quảng Ngãi) một sớm mai sóng tạt vào bờ đầy xác sứa biển, tôi bất ngờ thấy cô lao theo mấy phụ nữ làng chài đi vớt rong mơ mà mắt long lanh, má ửng hồng, nói cười rổn rảng, hoàn toàn khác ả công chức văn phòng lệt bệt, rền rĩ than chán đời mấy năm trước.

{keywords}
Bản Giốc, để nhất thác Việt Nam. (Ảnh: Zing)

Tớ không đẻ được. Chồng tớ ngoại tình. Nuốt cả vốc thuốc ngủ không chết, tớ nhận ra lâu nay mình ngu, quá phí đời! Ký đơn giải phóng ổng xong, tớ nghỉ phép, theo lũ bạn phượt. Thực tế mở mắt cho tớ thấy mình có sức khỏe, đầu óc, nghề nghiệp, quá may mắn so với bao số phận hẩm hiu khác trên đời, nên sống vui hẳn! - Rủ tôi vào quán bụi bên đường, Châu - cô bạn vừa lột xác thủ thỉ tâm sự.

Với đôi bạn Phú - Vi, phượt là nhu cầu tự nhiên không cần giải thích. Quen nhau trong một chuyến tình nguyện vác hàng lên cứu trợ bản nghèo vùng cao, họ nhận ra kẻ kia đích thực là một nửa của mình. Sau chuyến cưỡi Sidecar xuyên Việt, chàng thạc sĩ kinh tế Đà Nẵng được nàng cử nhân văn khoa đất võ Bình Định đồng ý phượt suốt đời. Họ lập công ty du lịch nhỏ, phượt quanh năm để giới thiệu tour mới cho bạn phượt gần xa.

Còn nhóm phượt Cà Mau chọn mẫu áo cờ đỏ sao vàng làm đồng phục mà tôi gặp trên cao nguyên đá Đồng Văn mới quen nhau từ độ “hướng về biển Đông” năm 2014. Đi, biết đất nước mình tươi đẹp quý giá đến thế nào để sẵn sàng bảo vệ mọi nơi, mọi lúc để khi Tổ quốc cần, là tâm niệm khiến họ trở thành những tay phượt có hạng trên khắp các nẻo đường từ Nam ra Bắc.

Phượt, để làm mới mình, khám phá và rèn luyện kỹ năng sinh tồn của chính bản thân mình là những cuộc chơi bổ ích đi một ngày đàng, học một sàng khôn!

Ngấm từng giọt mặn cần lao

Làm quen khi tôi đang quạt than nướng ngô giúp cô chủ sạp bên đường ở chợ đêm Tam Đảo, cu Tin- một cậu ấm Sài Gòn thứ thiệt lần đầu phượt lên Vĩnh Phúc hào hứng kể: Khuya, cháu dậy từ hai giờ sáng để theo một chủ vườn soi đèn ra vườn cắt ngọn su su, giúp bà bó rồi chuyển rau giao cho xe hàng kịp về Hà Nội trước khi trời sáng. Trời lạnh buốt, mồ hôi cháu chảy ròng ròng, mà mỗi mớ rau đặc sản nặng cả ký chỉ bán giá 10 nghìn, chưa đủ mua một que kem! Làm nông khổ thật, cô nhỉ!

{keywords}
Mã Pì Lèng đệ nhất hùng quan nước Việt. (Ảnh: hagiangonline)

Tôi cũng từng nghĩ vậy, khi dừng chân bên đoạn đèo mây trắng vờn quanh để bắt chuyện với một bác công chức Sa Pa tranh thủ tăng gia trước giờ làm việc, lúc bác cột những bó su su nõn nà to tướng lên xe, mồ hôi đẫm áo. Cũng mười nghìn, là khoản tiền chủ nương được phép thu của mỗi du khách, trước khi họ len lỏi vào các vạt hoa tam giác mạch hồng thắm, mà đồng bào nhiều xã vùng cao các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng đã chăm chút suốt mấy tháng ròng, để chụp ảnh tự sướng post lên fây. Mỗi năm 2 vụ hoa, chưa năm nào khách sạn nhà nghỉ khắp Đồng Văn cháy phòng trầm trọng như thế.

Chuyến phượt đầu hè của chị em Ni- hai bạn nhỏ từ Tây Nguyên lần đầu theo mẹ ra đảo Lý Sơn trên chuyến tàu chợ ngổn ngang cả trăm người già trẻ nằm như xếp cá trên sàn tàu, trời nóng như thiêu khi đảo chưa có điện, càng ấn tượng hơn thế! Lội vào vườn nắng chang chang xin tưới dưa hấu, sục tay vào lớp cát mặn trắng xóa tập giâm hành, trồng tỏi để hiểu được vị nồng cay trong đặc sản hành tỏi Lý Sơn; Rời đảo, theo một chiếc Jeep mui trần trở về Ninh Thuận lội ruộng cào muối, ngấm xót cả mười kẽ chân với diêm dân, là những bài học đặc biệt của mùa hè trải nghiệm. Ni chia sẻ: "Được tập lao động với dân nghèo, chúng cháu mới biết giá trị của từng hạt muối mặn, hiểu sự vô nghĩa của lối sống đua đòi phù phiếm, ngấm sâu sắc hơn những câu ca dao tưởng chừng đơn giản “Mồ hôi mà đổ xuống đồng…"".

Tổ quốc thiêng liêng

Cột cờ quốc gia Lũng Cú cao hơn 30m được xây trên đỉnh núi Rồng, điểm nhấn cao nhất phía cực Bắc Việt Nam là nơi vô số phượt thủ tìm đến, trèo hàng trăm bậc, trạm tay cho được vào lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2. Từ cột cờ phóng tầm mắt ra mọi phía, trập trùng núi non xen với ruộng bậc thang muôn màu, cảnh sắc quá nên thơ, đậm nét đặc trưng Tây Bắc.

Từ Đệ nhất Cột cờ, vợ chồng đôi bạn phượt cùng tôi trên chiếc Nissan chuồng gà nguyên bản già cốc đế, tổng trị giá sau khi độ chế chưa tới một trăm triệu, mà vượt đèo băng dốc khỏe hơn cả xe tăng, quyết không lỡ dịp chiêm ngưỡng Đệ nhất thác Bản Giốc- thác tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á nằm trên đường phân thủy sông Quây Sơn, nơi những chiếc bè tre đôi bờ Việt- Trung ngày ngày cùng đưa du khách ra sông ngắm cảnh.

Dọc tuyến đường lên biên này còn có Mã Pì Lèng không hổ danh là Đệ nhất hùng quan nước Việt với điểm ngắm say lòng bất kỳ phượt thủ nào. Chót vót đỉnh đèo uốn lượn hùng vĩ soi xuống dòng sông Nho Quế thăm thẳm sâu giữa các rặng núi đá chất ngất, nối tiếp điệp trùng tưởng chừng không bao giờ dứt giữa cao nguyên đá Đồng Văn, nơi “Thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày…”. Mẫu Sơn không chỉ nổi tiếng có rượu men rừng, gà chín cựa mà còn ấn tượng với nhành Lan Kiếm trắng muốt khổng lồ, đẹp kỳ vĩ trên đỉnh cao nghìn mét.

Bất ổn ngoài biển Đông càng không ngăn ngư dân Việt quyết tâm bám biển, lại khiến dòng khách phượt mạnh mẽ tràn ra các hòn gần, đảo xa suốt năm 2014.

Tù cuối xuân, ngay khi biết có tour Trường Sa mới mở, hàng trăm người đã lập tức xin đăng ký được ra các giàn khoan DK1, DK2, Trường Sa Lớn, Đá Tây, Côn Đảo. Anh Cơ, một trong ba mươi đại diện hãng du lịch lữ hành được vào danh sách ra Trường Sa chuyến đầu phấn khởi khoe: Mình có lượng khách lớn đang thèm ra biển. Họ nói say sóng mấy cũng chịu, miễn được đặt chân lên những hòn đảo thuộc chủ quyền của đất nước, được trao tận tay những phần quà cây nhà lá vườn cho các chiến sĩ đang bảo vệ biển đảo khơi xa.

Là đảo tiền tiêu phía đông, Lý Sơn đón lượng khách tăng vọt. Tiện nghi hạn chế, nóng bức, thiếu điện, thiếu nước ngọt chẳng làm nản lòng các cánh phượt cả trẻ lẫn già. Họ đến từ mọi miền, xúc động chiêm ngắm các kỷ vật khẳng định chủ quyền biển đảo của Hải đội Hoàng Sa. Thắp hương những ngôi mộ gió nằm rải rác khắp hòn đảo đầy chứng tích giữ nước bi hùng, tôi trèo lên mỏm hòn Trâu trên đỉnh núi Thới Lới cao nhất huyện đảo Lý Sơn, chọn vị trí chụp cho được bộ ảnh góc nhọn của cầu cảng Lý Sơn như mũi tên xé nước lao ra Thái Bình Dương mênh mang xanh thẳm, nghĩ đến hai chữ “nước mình” mà rưng rưng đến lạ!

Tót lên... lưng chiến mã

Chẳng biết có phải vì đã xông bút đầu năm con ngựa bằng phóng sự vù vù xê dịch “Sải vó trên núi đồi cao nguyên” hay không, mà trọn năm Giáp Ngọ, tôi cùng thân nhân, đồng nghiệp càng có dịp phượt khắp mọi miền đất nước. Vài mươi lượt ra Bắc vào Nam, ngược rừng xuôi biển, trèo lên đệ nhất hùng quan, độn thổ xuống hang động núi lửa… bằng đủ loại phương tiện, cuộc đi nào cũng đầy ắp thú vị bất ngờ và vô số bạn phượt mới.

Càng phượt, càng trải nghiệm được cuộc sống phong phú, yêu đất nước gấm hoa, yêu tổ ấm nơi trở về, càng hăng say làm việc, kiếm tiền và mong nối dài mãi những chuyến phiêu lưu kỳ thú.

Chỉ đôi người bẩm sinh thi sĩ
Mà biết bao ảo tưởng vơ nhầm
Ta vất sách! Tót lên lưng chiến mã
Phi ào ào, hít căng ngực gió xuân!

Khai bút Giáp Ngọ tôi gõ Bài thơ đọc vào tai ngựa, bèn chọn năm phượt thỏa chí. Giao thừa Ất Mùi sắp tới rồi! Năm con Dê (!) Híc, nữ phóng viên biết viết gì cho…sung đây?

(Theo Tiền phong chủ nhật - số Xuân Ất Mùi)