Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng TƯ cho biết đây chỉ mới là giai đoạn lấy ý kiến nhân dân, không phải cứ đơn vị nào đề nghị cũng đều được xét duyệt cả.

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đang lấy ý kiến nhân dân đối với 42 trường hợp đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2015.

Trong danh sách 42 trường hợp được đề nghị phong tặng Anh hùng Lao động vì có thành tích xuất sắc của Ban thi đua - Khen thưởng có Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong khi có ý kiến EVN nhiều năm nay liên tục báo lỗ, cách tính giá điện thiếu minh bạch khiến dư luận bức xúc.

Không phải cứ đề nghị là được xét duyệt

Trao đổi với VietNamNet, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng TƯ khẳng định đây chỉ mới là giai đoạn lấy ý kiến nhân dân, không phải cứ đơn vị nào đề nghị cũng đều được xét duyệt.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng TƯ. Ảnh: Lao Động

Thứ trưởng khẳng định, các quy định về tiêu chuẩn để xét danh hiệu Anh hùng lao động đã được quy định bằng luật và nghị định rất cụ thể, rõ ràng.

Bà Hà cho biết, trước khi họp Hội đồng Thi đua khen thưởng, Ban đưa danh sách tổng hợp được công khai lên các phương tiện truyền thông để lấy ý kiến nhân dân.

Những đơn vị nào thẩm định thành tích chưa được, còn có ý kiến thanh tra, kiểm tra; đơn thư, có ý kiến góp ý của nhân dân… đều báo cáo với Hội đồng. Sau đó Hội đồng xem xét rồi mới bỏ phiếu. Những đơn vị nào được 90% số phiếu tán thành trở lên mới được xét duyệt.

"Quy trình xét duyệt các danh hiệu thi đua, khen thưởng đều được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch và làm rất chặt chẽ. Còn hiện giờ mới công bố lấy ý kiến chưa khẳng định được đơn vị đó được hay không được" - Thứ trưởng khẳng định.

Phải giải trình nếu dân có ý kiến

Trả lời câu hỏi ý kiến của nhân dân và dư luận có tác động như thế nào đến kết quả thẩm định, xét duyệt, bà Hà cho biết: Gần như những trường hợp dân có ý kiến nếu chính xác đều phải xem xét thật kỹ, thậm chí ban không trình những trường hợp này lên hội đồng.

Tất nhiên ban phải nghe thông tin nhiều chiều. Ví dụ như thông tin EVN làm ăn thua lỗ thì khi gửi hồ sơ sang đây, họ phải có báo cáo kiểm toán hàng năm.

Nếu dân có nhiều ý kiến, Ban sẽ làm văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị Bộ giải trình. Ban sẽ báo cáo trung thực những nội dung này đến Hội đồng Thi đua khen thưởng. Nhưng thường những trường hợp có ý kiến chính đáng và kể cả dân không có ý kiến mà qua thẩm định thành tích, ban thấy chưa ổn thì cũng không trình lên Hội đồng Thi đua khen thưởng để xét duyệt.

Bà Hà cũng cho biết, qua các cuộc họp hội đồng xét duyệt lâu nay, chỉ khoảng 30-40% số đơn vị đề nghị lên được xét duyệt phong tặng.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Lắng nghe dư luận

Việc khen thưởng là cả một quá trình, và những thành tựu của ngành điện lực VN cũng không thể phủ nhận. 

Nhưng những nhược điểm và thiếu sót, theo tôi vẫn còn nhiều. Ngành điện liên quan đến an sinh xã hội rất nhiều, bấy lâu nay được nhà nước đầu tư lớn nhưng đem lại lợi ích cho người dân chưa tương xứng. 

Đến bây giờ mà vẫn còn trèo cột điện đọc công-tơ, thu tiền điện một cách thủ công, thủy điện phát triển lộn xộn, giá điện thì cứ tăng, bán điện vẫn độc quyền...

{keywords}
ĐB Nguyễn Sỹ Cương: Dân è cổ chịu giá điện, phong Anh hùng lao động, dân sẽ nghĩ thế nào?

Đề nghị này cần lắng nghe dư luận, vì công tác khen thưởng mà không được lòng dân sẽ rất phản cảm. 

Ngành điện vừa kêu lỗ, đổ cho giá điện thấp, muốn chia lỗ vào giá điện, dân lại phải è cổ chịu. Nếu khen thưởng, phong Anh hùng vào thời điểm này, dân sẽ nghĩ như thế nào?

Công tác thi đua khen thưởng là phải tâm phục, khẩu phục. Anh hùng là phải xứng đáng, phải có điều gì đó để người ta nhìn nhận, tôn vinh, học tập. Nếu EVN là Anh hùng, các tập đoàn, tổng công ty khác sẽ học tập ở EVN cái gì?

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Thuyết phục được dân

Nếu nhìn toàn bộ quá trình của EVN, đặc biệt trong chiến tranh, thì họ có công, có đóng góp. Nhưng phải tính đến việc EVN là một doanh nghiệp độc quyền tự nhiên, muốn hay không dân vẫn phải dùng điện EVN. 

Hiện nay ta chưa có quy chế giám sát sự độc quyền này một cách hữu hiệu, nên những đánh giá về EVN đang có khoảng cách rất xa giữa người tiêu dùng và tự đánh giá của EVN. 

{keywords}
Chuyên gia Lê Đăng Doanh: Bộ Công thương thiếu khách quan

Để khách quan, nên có sự đánh giá độc lập, lấy ý kiến của các hiệp hội liên quan đến năng lượng, những người am hiểu...

Tôi nghĩ việc khen thưởng mà người dân không đồng tình thì không phải việc có lợi. Khen thưởng phải thuyết phục được dân, chứ khen thưởng xong mà xã hội phản đối sẽ không có lợi. 

Anh hùng Lao động là một danh hiệu cao quý, nên có sự lắng nghe, cần tổ chức phản biện để có sự công bằng. Nên rất coi trọng ý kiến của người dân trong tình hình hiện nay.

Thu Hằng - Chung Hoàng