- Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa luôn được thể hiện vô cùng rõ nét, nhất là trong cách hành xử theo phương châm coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược.

LTS: Là cha đẻ của nền ngoại giao VN hiện đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp soạn thảo đường lối đối ngoại, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động đối ngoại, đưa ngoại giao trở thành một mặt trận, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trân trọng giới thiệu bạn đọc bài viết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước VN Dân chủ Cộng hòa.

Đối ngoại hòa hiếu

Ngoại giao đại diện cho văn hóa của một dân tộc trong sự giao lưu với văn hóa của các dân tộc khác.

Sự kết hợp hài hòa giữa danh nhân văn hóa kiệt xuất và nhà ngoại giao lỗi lạc trong Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét ở tính văn hóa trong mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người và đấu tranh vì những giá trị tốt đẹp của nhân loại; ở tính chính nghĩa và truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân đạo, tôn trọng hòa bình; ở sự tiếp thu và tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa; ở phong cách ứng xử ngoại giao dung dị và nhân ái, uyên bác và tinh tế dễ đi vào lòng người.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa luôn được thể hiện vô cùng rõ nét, nhất là trong cách hành xử theo phương châm coi trọng hòa hiếu, hòa bình, đề cao văn hóa đối thoại trong quan hệ với các nước, kể cả với kẻ thù xâm lược.

Hòa hiếu luôn là phương châm nhất quán của Người trong hoạt động đối ngoại. Xuất phát từ tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Trong năm 1945-1946, đất nước đứng trước nhiều kẻ thù nguy hiểm, cách mạng VN trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chủ trương đối thoại.

Người thực hiện “Hoa - Việt thân thiện” vừa nhằm hòa với Tưởng, hạn chế hành động chống phá cách mạng VN của chúng vừa để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp.

Người thực hiện “hòa để tiến”, nhân nhượng với Pháp để đuổi nhanh quân Tưởng về nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sang Pháp 4 tháng để đối thoại (từ tháng 5-10/1946). Người đã nhận định rằng “Vấn đề lúc này, không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay Le Bourget, Paris ngày 22/6/1946

Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 cũng là một ví dụ điển hình của chủ trương ưu tiên đối thoại nhằm kéo dài hòa bình để tăng cường lực lượng chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến.

Theo đúng phương châm hòa hiếu, đối với Người việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng.

Ngay cả khi bắt buộc phải tiến hành chiến tranh để bảo vệ đất nước, Người vẫn tìm mọi cách cứu vãn hòa bình.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh nhiều lần gửi thư cho Chính phủ và nhân dân Pháp, cho tướng lĩnh, binh sĩ quân đội Pháp và những kiều dân Pháp ở VN, cho các chính phủ, các nhà hoạt động chính trị, văn hóa và nhân dân các nước, vừa tố cáo cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, vừa kêu gọi đàm phán hòa bình.

Trong lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp (10/1/1947), Người viết: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”.

Cũng như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, Người đã gửi nhiều thông điệp cho các nhà cầm quyền Mỹ, đề nghị đàm phán hòa bình để kết thúc chiến tranh.

Khi quân Mỹ tăng cường chiến tranh, một mặt Người kêu gọi quân dân ta “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,” đồng thời chủ trương vừa đánh vừa đàm để kết thúc chiến tranh.

Thêm bạn bớt thù

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đối ngoại rộng mở với phương châm “thêm bạn bớt thù”, phải làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết, và tránh đối đầu “không gây thù oán với một ai”.

Phát biểu nhân dịp Quốc khánh lần thứ 10 của nước VN Dân chủ Cộng hòa (2/9/1955), Người tuyên bố: “Trong quan hệ đối với các nước khác, chính sách của nước VN Dân chủ Cộng hòa là rõ ràng và trong sáng: Đó là một chính sách hòa bình và quan hệ tốt”.

{keywords}
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại  Pháp năm 1946

Như vậy, lập trường yêu chuộng hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa rõ ràng, nhất quán vừa thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa ý chí quyết tâm bảo vệ hòa bình không chỉ cho đất nước mình mà còn góp phần giữ nền hòa bình chung.

Người nói: “Nhân dân VN tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”.

Tôn trọng lợi ích chính đáng của các quốc gia dân tộc khác theo quan điểm “mình chớ làm cho người những điều không muốn người làm cho mình” cũng luôn là một nguyên tắc nhất quán và xuyên suốt trong văn hóa ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nói: “Nhân dân VN vĩnh viễn không để cho bất cứ kẻ nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác. Nhân dân VN luôn luôn ủng hộ tất cả những cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ hòa bình thế giới”.

Tư tưởng nhân đạo, đề cao chính nghĩa, đạo lý vì hòa bình và cuộc sống độc lập tự do hạnh phúc của nhân dân tất cả các dân tộc của Người là biểu hiện văn hóa nhất của nhân loại.

Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao

Bài 2: Hồ Chí Minh và phương châm 'ngũ tri' với nước lớn

Thủ tướng dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67