- Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết tại 4 tỉnh Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp thị sát một số ổ dịch.

Sáng nay, Phó Thủ tướng đã kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại buôn Jù, xã Êatu, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk. Trưởng thôn Jù cho  biết, buôn có hàng chục hộ dân mắc sốt xuất huyết, đây là hiện tượng bất thường so với mọi năm.

Người dân trong buôn đã phun thuốc, đổ dầu mỡ để diệt muỗi, bọ gậy nhưng vẫn không hiệu quả.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát ổ dịch sốt xuất huyết tại Đắk Lắk

Dù toàn TP Buôn Mê Thuột đều đã có tổ truyền thông, song Phó Thủ tướng nhấn mạnh cách thức tuyên truyền phải mạnh mẽ hơn nữa, đơn giản hơn nữa để người dân hiểu và chủ động ứng phó với dịch bệnh.

Theo đó, không chỉ tuyên truyền hướng dẫn phòng bệnh, biểu hiện bệnh, triệt các nguồn nước tù đọng mà còn phải chỉ ra mức độ nguy hiểm có thể chết người, sự tốn kém về tiền bạc, thời gian khi điều trị... để giúp người dân thay đổi hành vi sinh hoạt hằng ngày, không để dịch bùng phát, lan rộng.

Tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết tại Tây Nguyên chiều nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, sốt xuất huyết diễn biến theo theo chu kỳ, nhưng năm nay tăng cao đột biến, bên cạnh nguyên nhân thời tiết, khí hậu, một trong những nguyên nhân quan trọng là ý thức phòng, chống của người dân, cộng đồng.

“Chúng ta phải cố gắng tăng cường truyền thông bởi vì phun thuốc diệt muỗi chỉ là cấp tập dập dịch trong một thời gian, căn bản là phải diệt lăng quăng, kết hợp truyền hình, truyền thanh, tờ rơi và toàn hệ thống vào cuộc…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý ngành y tế phải hướng dẫn cụ thể về cách điều trị, bảo đảm đủ thuốc điều trị cho người bệnh.

Tỉ lệ mắc cao gấp hàng chục lần

Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 30/7, cả nước ghi nhận gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết, 17 trường hợp tử vong, tập trung tại miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Đáng lưu ý, tỉ lệ người dân mắc sốt xuất huyết tại Tây Nguyên đang cao gấp vài lần đến hàng chục lần so với mức trung bình của cả nước là 48,2/10 vạn dân.

Điển hình, huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) có tỉ lệ mắc lên tới 1.282/10 vạn dân; huyện Eahleo (tỉnh Đắk Lắk) là 696; thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) là 808... Tính chung toàn vùng Tây Nguyên, tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết là 168,1/10 vạn dân.

Trước đó trong giai đoạn từ 2005 - 2015, tại khu vực này mỗi năm chỉ có từ 500-13.000 trường hợp mắc, cao điểm có 5 trường hợp tử vong.

Theo Bộ Y tế, ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực trong phòng chống dịch nhưng nhưng tại nhiều buôn, làng, người dân còn lơ là, chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng bệnh; tỷ lệ tự điều trị tại nhà còn cao.

Việc xử lý ổ dịch có nhiều khó khăn, chưa triệt để. Đơn cử tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) theo báo cáo có hơn 1.000 bệnh nhân nhưng chỉ phun hóa chất diệt muỗi được 221 khu vực có trường hợp bệnh.

Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh cũng khiến các bệnh viện tại Gia Lai đang quá tải nghiêm trọng, gấp 2-3 lần công suất giường bệnh, đơn cử khoa Nhiễm có 60 giường nhưng có lúc điều trị cho hơn 160 bệnh nhân.

Do đó thời gian tới Bộ Y tế sẽ yêu cầu từng hộ gia đình tại Tây Nguyên kí cam kết phòng chống sốt xuất huyết, không chấp hành sẽ có biện pháp xử lý.

Theo nhận định, tháng 9-10 mới là đỉnh dịch sốt xuất huyết tại các tỉnh Tây Nguyên, sau đó từ tháng 11 có xu hướng giảm dần.

T.Hạnh