Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã khuyến cáo như trên tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP chiều nay.

Người dân ra đường tăng trở lại

Theo ông Liêm, tâm lý lơ là, chủ quan phòng chống dịch thể hiện rõ qua hình ảnh người dân ra đường đông trở lại được các báo mạng đăng nhiều ngày qua, gây khó cho công tác chống dịch của TP.

{keywords}
Phó chủ tịch TP.HCM Lê Thanh Liêm. Ảnh: Hồ Văn

“Chúng ta phải tuyên truyền người dân không lơ là, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, người dân nếu không có chuyện cấp thiết, tốt nhất nên ở nhà”, ông Liêm khuyến cáo.

Theo ông Liêm, hơn 2,5 triệu học sinh không đi học, phương tiện công cộng không chạy, vậy ra đường là công chức các sở-ngành; công nhân các công ty, cơ sở sản xuất và người dân. 

“Số người dân ra đường tăng trở lại với lý do không hợp lý, không cần thiết, không đảm bảo khoảng cách 2m. Vì vậy, chúng ta cùng nhau cố gắng đến ngày 15/4, cần thực hiện tốt khoảng thời gian còn lại này... ”, ông Liêm kêu gọi.

Ông Liêm cũng nêu ví dụ về buổi tụ tập uống rượu, bia của một số cán bộ ĐH Ngân hàng TP.HCM để khuyến cáo cán bộ TP. “Mấy cán bộ ĐH Ngân hàng đã bị đình chỉ chức vụ vì vi phạm Chỉ thị 16, cán bộ, công chức TP đừng để xảy ra sai phạm như vậy”, lời ông Liêm.  

Ông Liêm còn lo lắng, nếu có một ca nào đó tại Khu chế xuất - khu công nghiệp, tại các chợ, siêu thị…nhiễm Covid-19  thì rất khó cho TP trong công tác chống dịch.

Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ, ông Liêm cho biết TP mới ký ban hành quyết định về: “Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ”.

TP.HCM mở rộng xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc (GĐ) Sở Y tế, tính từ khi xuất hiện dịch Covid-19 đến nay, TP.HCM đã xét nghiệm 31.131 trường hợp, đạt tỷ lệ hơn 3.000 người/1 triệu dân, cao nhất trong các TP lớn trên thế giới.

{keywords}
GĐ Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết TP sẽ mở rộng xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng dân cư. Ảnh: TTBC

Công tác xét nghiệm trên diện rộng, nhiều mang lại kết quả phát hiện nhanh, sớm để triển khai khoanh vùng, dập dịch kịp thời.

Do đó, ông Bỉnh cho biết, từ ngày 10/4, TP tiếp tục giám sát trong cộng đồng, thông qua khai báo y tế, xét nghiệm tầm soát mở rộng, xét nghiệm sàng lọc tại các khu ký túc xá công nhân, cơ sở sản xuất, khu vực cộng đồng dân cư có nguy cơ cao.

Đồng thời, kiểm tra phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn cho đội ngũ tuyến đầu. Tổ chức sắp xếp lại năng lực của ngành y tế, tăng cường cơ sở vật chất và nguồn lực để chuẩn bị cho những điều bất ngờ trong thời gian tới.

Tiếp tục kiểm dịch y tế các hành khách nhập cảnh tại sân bay, ga tàu lửa Sài Gòn. Nâng cao hiệu quả giám sát 62 chốt kiểm dịch của TP.

“Sở Y tế đang chỉ đạo tái sắp xếp lại các khu cách ly tập trung của TP, để chủ động cho giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 tiếp theo”, ông Bỉnh cho hay.

Theo người đứng đầu ngành Y tế TP, hiện nay các ổ dịch đã được khoang vùng, dập dịch. Trong đó, ổ dịch tại quận 8, Bình Chánh và bar Buddha có thể khẳng định đã cơ bản khống chế thành công. Đáng nói, chưa có trường hợp lây lan trong các khu cách ly tập trung là một thành công lớn của TP.  

TP.HCM lên kế hoạch ứng phó trường hợp dịch bùng phát đến 500 ca

TP.HCM lên kế hoạch ứng phó trường hợp dịch bùng phát đến 500 ca

Kế hoạch dự phòng nhằm chủ động trong trường hợp TP.HCM bùng phát 500 ca Covid-19, tương ứng với 150 ca bệnh nặng và 3.200 ca nghi ngờ nhiễm.

Hồ Văn