- “Tôi sinh đẻ, nuôi nấng đứa con cực khổ quá! Vậy mà nó lại giết con tôi…”, người mẹ già khó nhọc nói từng câu đứt quãng.

Gã đàn ông mà người mẹ già gọi là “nó” chính là bị cáo Phạm Tuấn Ngọc (SN 1970, Long An), từng ra tay sát hại vợ rồi chôn xuống hố đào sẵn dưới gầm giường.

Giết vợ, chôn xác

Ngọc và chị P.T.L. kết hôn vào năm 1991, có 3 con chung. Ban đầu, cả hai sinh sống tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, sau đó mua đất cất nhà, chuyển đến gần cha mẹ vợ chị L. tại xã Mỹ Thạnh Đông, cùng huyện.

{keywords}
Bị cáo Ngọc trong giờ nghị án

Năm 2010, do tuổi cao không người chăm sóc, cha mẹ chị L. lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho vợ chồng Ngọc. Ngọc lại bán nhà cùng các con về ở hẳn bên ngoại.

Cũng trong thời gian này, Ngọc nghe những lời đồn đại và nghi ngờ chị L. có người đàn ông khác. Ngoài ra, chị L. cũng cho biết mình đang nợ một khoản tiền ở bên ngoài dẫn đến vợ chồng phát sinh mâu thuẫn. Nhiều lần tức giận, Ngọc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ nên gia đình chị L. đuổi Ngọc ra khỏi nhà, không cho ở chung nữa.

Ra khỏi nhà vợ, Ngọc cất một căn nhà hơn 12m2 trên mảnh đất mà hai vợ chồng đã mua trước đó, chỉ cách nhà chị L. 50 mét. Dù ở riêng nhưng vợ chồng tiếp tục mâu thuẫn, đỉnh điểm khi Ngọc nghe tin cha mẹ vợ sẽ thay đổi di chúc, chỉ để lại tài sản cho vợ con Ngọc và chị L. yêu cầu được ly hôn.

Ghen tuông, hận thù, Ngọc nảy ý định giết vợ. Khoảng tháng 9/2014, Ngọc đào sẵn trong nhà một cái hố để phi tang xác vợ. Sau đó, do còn thương vợ nên Ngọc từ bỏ ý định.

Giữa tháng 3/2015, vợ chồng Ngọc được một người trả nợ khoản tiền bán đất 100 triệu đồng. Chị L. muốn dùng để trả nợ nhưng Ngọc muốn lấy một phần để sửa nhà nên lại phát sinh mâu thuẫn. Sáng 13/3/2015, trong lúc vợ chồng cự cãi, Ngọc đã sát hại vợ. Sau đó, Ngọc kéo xác chị L. bỏ xuống cái hố đã đào sẵn, đổ cát, xi măng và nước để lấp đầy.

Ngọc cũng tháo từ cổ chị L. một sợi dây chuyền vàng gói vào một tờ giấy nhét vào lỗ gạch dưới chân cây cột trước nhà. Trên mảng giấy Ngọc ghi dòng chữ “vật này tôi sẽ trao cho con gái tôi ngày nó lập gia đình và tôi sẽ nói lên mọi sự thật”.

Để xóa dấu vết, Ngọc còn thuê người đến tráng bê tông lại nền nhà. Mấy ngày trôi qua không gặp mẹ, các con đến hỏi Ngọc thì bị cáo trả lời “không biết” và vẫn sinh hoạt bình thường dù xác vợ chôn ngay dưới gầm giường. Ngày 16/3/2015, do bản thân thấy tội lỗi và được gia đình động viên, Ngọc đến cơ quan công an tự thú.

Phía sau tội ác

Tại phiên tòa sơ thẩm, với tư cách đại diện người bị hại, đứa con lớn của bị cáo thay mặt 3 anh chị em tha thiết xin Hội đồng xét xử giảm án cho cha. Cảm thông trước nỗi đau những đứa con đã mất mẹ giờ đây không muốn mất cả cha, TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân về tội “giết người”.

{keywords}
Người mẹ già sau phiên xử

Thế nhưng, mẹ chị L. đã làm đơn kháng cáo. Được người con gái còn lại dìu đến dự tòa, chân đã mỏi, răng đã rụng, miệng run run mấp máy, bà cụ bảo hành động của Ngọc với con bà quá dã man, mức án tù chung thân khiến bà không cam lòng.

HĐXX phân tích: "Tội ác của bị cáo lẽ ra phải chịu mức án cao nhất là tử hình. Tuy nhiên, phía sau bản án tòa tuyên là số phận, là cuộc đời và ý nguyện của 3 con trẻ. Cấp sơ thẩm đã xem xét đến lời thỉnh cầu của 3 người con bị cáo và bị hại nên mới cho bị cáo một con đường sống, bà có còn muốn kháng cáo tăng hình phạt với bị cáo không?"

“Tôi sinh đẻ, nuôi nấng đứa con cực khổ quá! Vậy mà…nó lại giết con tôi. Nó làm tội thì nó phải đền tội…”, người mẹ già mếu máo, khó nhọc nói từng câu đứt quãng. Sau khi xem xét, HĐXX bác đơn kháng cáo của bà, giữ nguyên hình phạt.

Dù thoát án tử nhưng có lẽ nỗi ám ảnh khi nghĩ đến cái chết của vợ và số phận các con sẽ day dứt bị cáo suốt phần đời còn lại.

M.Phượng