Bài phát biểu của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTWMTQVN tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Kính thưa các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động,

Thưa đoàn chủ tịch Đại hội,

Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ,

Thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các Ban Đảng, các Bộ, ngành Trung ương,

Thưa các đồng chí đại biểu dự Đại hội!

Hôm nay tôi rất vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc sức khoẻ các đồng chí đại biểu dự Đại hội, các vị khách quý và qua các đồng chí gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng lời chúc mừng và những tình cảm tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X thành công tốt đẹp!

Thưa các đồng chí,

Thực hiện Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở trong toàn Đảng bộ; đồng thời, đã tập trung chuẩn bị nội dung và nhân sự trình Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh với tinh thần nghiêm túc, chu đáo, trách nhiệm cao. Các văn kiện trình Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh đã phát huy được trí tuệ của cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học và sự đóng góp ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh; đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, góp ý của các ban, bộ, ngành Trung ương.

Bộ Chính trị đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Lâm Đồng trong nhiệm kỳ vừa qua, vì vậy đã đạt được những thành tựu quan trọng và nổi bật: kinh tế tăng trưởng cao 14,1%/năm, bằng 2,4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Đặc biệt, nông nghiệp của tỉnh nhà đã phát triển có tính đột phá trên cơ sở nông nghiệp công nghệ cao, với tốc độ tăng bình quân 8,4%/năm, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp cả nước, giá trị sản xuất 1 héc-ta thu hoạch đạt 140 triệu đồng, riêng cây rau đạt hơn 250 triệu đồng/ha, hoa hơn 500 triệu đồng/ha. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 15% diện tích đất nông nghiệp, đóng góp 30% giá trị sản xuất toàn ngành. Du lịch đạt mức phát triển cao 9,2%/năm, năm 2015 thu hút 5 triệu lượt khách, trong đó có 3,3 triệu lượt khách lưu trú và 300.000 khách nước ngoài. Công nghiệp tăng trưởng 22,5%/năm, bằng gần 3 lần tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả nước.

Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế của Lâm Đồng bắt nguồn từ sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo của Tỉnh ủy về đổi mới mô hình tăng trưởng, qua triển khai 5 khâu đột phá do tỉnh xác định. Đây là nền tảng quan trọng nhất để tổng sản phẩm nội địa của tỉnh năm 2015 gấp 2,6 lần năm 2010. Việc giảm nghèo của Lâm Đồng đạt kết quả xuất sắc: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,6% năm 2010 xuống dưới 2% năm 2015, tỷ lệ hộ cận nghèo là 1,7%. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ... có nhiều chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả quan trọng; phương thức lãnh đạo của đảng tiếp tục đổi mới, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên; công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã tạo được những chuyển biến đáng kể về nhận thức, ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên; dân chủ trong Đảng và đồng thuận xã hội được phát huy. Cán bộ, đảng viên, nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và công cuộc đổi mới của đất nước.

Những kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự nỗ lực to lớn và sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển nhất Tây Nguyên, có tổng sản phẩm nội địa theo đầu người bằng xấp xỉ bình quân cả nước, góp phần vào thắng lợi chung mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước ta đã giành được trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, tạo cơ sở thực tiễn mới để tổng kết, bổ sung lý luận cho quá trình lãnh đạo phát triển đất nước. Thay mặt Bộ Chính trị, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tích, những nỗ lực to lớn, toàn diện mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt được trong 5 năm qua.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Tôi nhất trí cao với Mục tiêu, Nhiệm vụ và Giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020 đã được trình bày trong Báo cáo chính trị.

Để phát huy tốt hơn nữa tiềm năng về con người của Lâm Đồng và cả nước, tiềm năng tài nguyên của Lâm Đồng và cơ hội phát triển của thời kỳ hội nhập quốc tế mới từ 2016, tôi đề nghị các đại biểu quan tâm trao đổi 3 nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tất cả các ngành kinh tế và mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, với 3 đột phá chiến lược được thiết kế và triển khai phù hợp với ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của tỉnh nhà.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11 đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng là một giải pháp quan trọng để phát triển nhanh và bền vững. Theo quan niệm lâu nay, tăng trưởng của một ngành kinh tế phụ thuộc vào tăng trưởng vốn, tăng trưởng đất và lao động được sử dụng ở ngành kinh tế đó. Đó là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng. Thêm vốn, thêm đất, thêm người là tăng trưởng kinh tế thêm. Tuy nhiên cả 3 yếu tố: vốn, đất, lao động đều có hạn, do phải cạnh tranh trong nước và nước ngoài. Mặt khác thực tế đã chỉ ra rằng, có thể tăng trưởng một ngành mà không nhất thiết phải tăng nhiều vốn, tăng đất, tăng lao động. Đây chính là phương thức tăng trưởng theo chiều sâu, bằng chất lượng tăng trưởng. Thông qua nâng cao chất lượng nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đổi mới mô hình đơn vị kinh tế cơ bản, và đổi mới chính sách, cơ chế quản lý vẫn có thể tăng trưởng một ngành kinh tế mà không nhất thiết tăng vốn, tăng đất, tăng người với quy mô lớn. Đó là mô hình tăng trưởng mới. Theo đó, tăng trưởng của một ngành kinh tế phụ thuộc 7 yếu tố sau:

1. Tài nguyên thiên nhiên được sử dụng (đất, rừng, biển, khoảng sản, khí hậu)

2. Vốn

3. Số lượng lao động được sử dụng

4. Chất lượng lao động

5. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ

6. Mô hình đơn vị kinh tế cơ bản (doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể)

7. Cơ chế quản lý, chính sách kinh tế.

Trong mô hình tăng trưởng mới, yếu tố con người là quyết định. Đó là chất lượng lao động (lao động kinh tế, kỹ thuật, lao động quản lý và lãnh đạo...), sử dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát huy các mô hình đơn vị kinh tế cơ bản một cách phù hợp, đổi mới cơ chế quản lý và chính sách kinh tế.

Thực tế phát triển vượt bậc của nông nghiệp Lâm Đồng thời gian qua là một minh chứng rất tốt cho tính hiệu quả của mô hình tăng trưởng mới. Theo kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2010-2015, tổng đầu tư xã hội của Lâm Đồng phải đạt là gần 40% tổng sản phẩm nội địa (GDP), song thực tế chỉ đạt 33,3%, tức là tổng vốn huy động chỉ đạt 83% kế hoạch, song tăng trưởng kinh tế của cả tỉnh đạt 14,1%, bằng 94% kế hoạch. Như vậy tăng trưởng kinh tế cao không phải chỉ do nhiều vốn, mà còn do các yếu tố khác. Việc nông nghiệp của Lâm Đồng có mức tăng trưởng bình quân 8,4%/năm thuộc loại cao nhất cả nước là do các lý do sau:

1. Diện tích đất canh tác tăng (trong khi nhìn chung cả nước là giảm). Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2010-2015 của Lâm Đồng xác định diện tích đất canh tác cần đạt là 280.000 héc-ta, song thực tế là 297.000 héc-ta.

2. Vốn (đầu tư): các hộ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp đã tăng vốn đầu tư từ nhiều nguồn, nhưng thực tế vẫn thiếu vốn.

3. Số lượng lao động được sử dụng: không tăng đáng kể

4. Chất lượng được nâng cao: qua việc nâng cao trình độ đào tạo của người lao động nói chung và đặc biệt tiếp thu các kỹ năng nông nghiệp mới gắn với sản xuất công nghệ cao.

5. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ: đây là điểm nổi bật trong nông nghiệp của Lâm Đồng. Giống mới chất lượng, năng suất cao, quy trình chăm sóc hiện đại, phương tiện tưới và nhà kính hiện đại...

6. Mô hình đơn vị kinh tế cơ bản bước đầu có phát triển (liên kết doanh nghiệp với hộ nông dân và liên kết các hộ nông dân thành lập các hợp tác xã kiểu mới).

7. Cơ chế quản lý, chính sách kinh tế: tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, đăng ký và chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Như vậy, trong 7 nội dung của mô hình tăng trưởng mới, trong trồng trọt của Lâm Đồng, 5 nội dung đã được triển khai khá tốt, còn 2 nội dung là tăng vốn cho sản xuất và hình thành các đơn vị sản xuất cơ bản hiệu quả cao (các hợp tác xã kiểu mới và liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã và hộ nông dân) thì mới đạt kết quả bước đầu. Vì vậy, việc Báo cáo chính trị đề ra mục tiêu: đến năm 2020 toàn tỉnh có 250 hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, không còn hợp tác xã yếu kém, xây dựng thêm một số liên hiệp hợp tác xã mới là hoàn toàn đúng hướng và hợp lý. Tuy nhiên, tôi đề nghị tỉnh làm rõ, đến 2020, bao nhiêu phần trăm hộ nông dân, hộ sản xuất làng nghề sẽ tham gia các hợp tác xã và tổ sản xuất. Chúng ta cần phấn đấu để trên 50% hộ nông dân, làng nghề sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tổ sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất của các hộ, nâng cao tính bền vững, tính cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp và sản xuất làng nghề. Là thành viên của 1 hợp tác xã làm ăn hiệu quả là điều kiện quan trọng nhất để hộ xã viên vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

2. Xây dựng thành phố Đà Lạt thành thành phố thông minh

Báo cáo chính trị tại Đại hội đã xác định nhiệm vụ: “xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, hội nghị, hội thảo và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa quốc gia”.

Với mục tiêu như trên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung và cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thì việc xây dựng thành phố Đà Lạt thành một thành phố thông minh là cần thiết và hoàn toàn khả thi. Xây dựng các thành phố thông minh là xu hướng phát triển mới, tất yếu của các đô thị trên thế giới từ hơn 10 năm nay.

Năm 2011, thủ đô Seoul đã công bố kế hoạch “Seoul thông minh 2015”.

Năm 2014, Thủ tướng Singapore công bố kế hoạch “Quốc gia thông minh” (Smart Nation) và Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố sẽ xây dựng 100 thành phố thông minh tại Ấn Độ.

Thành phố thông minh nhằm đạt được 4 mục tiêu:

1. Môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, hiệu quả hoạt động kinh tế ngày càng cao.

2. Môi trường sống ngày càng tốt hơn.

3. Người dân được chính quyền phục vụ tốt hơn.

4. Người dân tham gia quản lý thành phố và giám sát chính quyền.

Thành phố thông minh cũng chính là con đường để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh của thế kỷ 21. Việc thực hiện thành phố thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực, sáng tạo của 4 chủ thể: chính quyền thành phố, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội (bệnh viện, trường học, cơ sở văn hóa…) và các công dân của thành phố. Thông qua việc ứng dụng rộng rãi, triệt để công nghệ thông tin và truyền thông, mỗi chủ thể phải trở nên thông minh hơn (chính quyền thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh, doanh nghiệp thông minh, công dân thông minh) và sự kết nối thông minh 4 chủ thể sẽ tạo môi trường kinh doanh, môi trường sống đáp ứng 4 mục tiêu của thành phố thông minh. Trong một thành phố thông minh, qua sự kết nối và tham gia của 4 chủ thể, chính quyền thành phố không có nhiệm vụ hàng đầu là giải quyết các vấn đề đã và sẽ phát sinh, như ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, thiếu nhà ở, dịch vụ y tế quá tải, tội phạm gia tăng mà nhiệm vụ hàng đầu là dự báo phát triển và các vấn đề có thể nảy sinh, để từ đó có các giải pháp kịp thời với sự tham gia thông minh của cả 4 chủ thể để các vấn đề đó sẽ không xảy ra.

Với các tiền đề về quản lý thành phố Đà Lạt, ứng dụng công nghệ thông tin ở thành phố, thực hiện chính quyền diện tử ở thành phố, sự hợp tác của các Đại học và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Trung ương và các tư vấn quốc tế, Đà Lạt hoàn toàn có thể xây dựng và thực hiện đề án Đà Lạt-Thành phố thông minh trong 5-10 năm tới.

3. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, được đánh giá qua sự hài lòng của nhân dân và được bảo vệ bởi nhân dân

Bên cạnh các kết quả quan trọng trong xây dựng bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh mà Lâm Đồng đã đạt được 5 năm qua, báo cáo chính trị tại Đại hội đã thẳng thắn chỉ ra các yếu kém, hạn chế:

Chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch, sử dụng đất, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản. Một số lĩnh vực, thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, đồng bộ; năng lực, trình độ và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác cán bộ chậm đổi mới, việc đánh giá phân loại cán bộ, đảng viên có nơi chưa thực chất; quy trình đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm chưa hợp lý; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thực tế đây là các yếu kém không chỉ ở Lâm Đồng mà nhiều tỉnh khác trong cả nước và đã tồn tại nhiều năm nay. Tôi đề nghị Đại hội phân tích làm rõ: cần làm gì ở mỗi cơ quan quản lý nhà nước, mỗi cấp ủy xã phường, huyện và tỉnh để đảm bảo đòi hỏi của Hiến pháp 2013: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân. Phải chăng trong cơ chế hiện nay, sự đồng tình của người dân, sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của bộ máy chính quyền và sự lãnh đạo của các cấp ủy chưa trở thành tiêu chí, điều kiện để cán bộ, công chức và cấp ủy Đảng thực hiện quyền lực quản lý và lãnh đạo của mình trước nhân dân? Nên chăng chính quyền và cấp ủy Đảng các cấp cần biết chính xác: nhân dân đồng tình và không đồng tình thế nào với hoạt động quản lý và lãnh đạo của mình? Nhân dân hài lòng như thế nào về sự quản lý, lãnh đạo của mình và cuộc sống của nhân dân hiện nay? Chúng ta cần tiếp tục thể chế hóa đòi hỏi của Hiến pháp 2013: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Để thực hiện mục tiêu tổng quát trong Báo cáo chính trị: ‘‘...xây dựng bộ máy chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, gần gũi và gắn bó với nhân dân. Tăng cường đoàn kết, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh toàn dân, đảm bảo đồng thuận xã hội...” theo tôi lãnh đạo Đảng và chính quyền ở xã, huyện và tỉnh cần biết rõ hàng quý, hàng năm, biết có cơ sở khoa học là nhân dân ở xã mình, huyện mình, tỉnh mình hài lòng như thế nào đối với hoạt động quản lý và lãnh đạo của mỗi cấp, với cuộc sống của mình, của nhân dân ở xã mình, huyện mình, tỉnh mình. Khi nhân dân hài lòng thì trước các khó khăn, thách thức đang tồn tại, nhân dân sẽ phát huy trách nhiệm để cùng Đảng, chính quyền giải quyết khó khăn, thách thức đó. Khi chúng ta làm cho người dân hài lòng thì sẽ không có nền tảng xã hội cho tự diễn biến, kẻ thù bên ngoài sẽ không thể kích động tự diễn biến.

Thưa các đồng chí và toàn thể Đại hội!

Một nhiệm vụ rất quan trọng của Đại hội là bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu trên cơ sở quán triệt sâu sắc tiêu chuẩn cấp ủy viên được quy định tại Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; căn cứ quy chế bầu cử trong Đảng và xuất phát từ thực tiễn của Đảng bộ, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những đồng chí đủ tiêu chuẩn, thật sự xứng đáng bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này. BCH Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng phải là trung tâm trí tuệ và trung tâm đoàn kết để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Một lần nữa thay mặt Bộ Chính trị, tôi xin chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đạt được thời gian qua.

Chúc các đồng chí đại biểu và các vị khách quý sức khỏe, thành công và hạnh phúc!

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!