Chiều nay (22/10), Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ quý 3/2021 để thông tin về tình hình hoạt động ngành.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thắng Lợi (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) cho biết, vào ngày 10/9, lần đầu tiên Việt Nam thu được 2,6 triệu USD tiền thi hành án từ nước ngoài. Số tiền thu được này liên quan đến khoản thi hành án của Phan Sào Nam.

Theo ông Lợi, số tiền 2,6 triệu USD Phan Sào Nam tự nguyện thi hành. Nhưng không ai ngay từ đầu tự nguyện, việc thi hành án với Phan Sào Nam cũng gặp nhiều khó khăn.

"Bằng cái tâm, trách nhiệm của chấp hành viên, của cơ quan thi hành án và được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan liên quan như công an, viện kiểm sát và cả sự ủng hộ từ báo chí, Phan Sào Nam đã tự nguyện thi hành án", ông Lợi cho hay.

{keywords}
Ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp

Theo thông báo ngày 10/9, Cục thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Phú Thọ, tổng số tiền Phan Sào Nam phải thi hành án là hơn 1.475 tỷ đồng. Nam đã thi hành xong hơn 1.319 tỷ đồng.

Đến hết ngày 10/9, số tiền Phan Sào Nam còn phải thi hành được xác định có điều kiện thi hành án là hơn 13 tỷ đồng.

Riêng số tiền thu hồi 3,5 triệu USD tại Ngân hàng Bank of Singapore (tương đương 80 tỷ VND), Cục THADS tỉnh Phú Thọ từng đề nghị TAND Tối cao Giám đốc thẩm và đã ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án.

Phan Sào Nam từng cam kết nộp đủ toàn bộ hơn 13 tỷ đồng còn lại trước Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022, thậm chí có thể sớm hơn nếu điều kiện thuận lợi.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho VietNamNet biết, theo đơn của Công ty nơi Nam đang làm việc, họ cam kết đầu tháng 10 ứng một năm lương và thưởng cho Phan Sào Nam (khoảng hơn 1 tỷ đồng). Số còn lại khoảng 6 tỷ đồng Nam sẽ nộp trước Tết Âm lịch và có thể còn sớm hơn.

Cũng theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác đã gây ảnh hưởng, khó khăn lớn đến kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Do dịch, nhiều địa phương bị phong tỏa, cách ly, đặc biệt những địa phương này lại là nơi có lượng việc, tiền lớn cần thi hành án là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Long An… Việc này khiến thi hành án bị gián đoạn.

Ngoài ra, chuyện thi hành án cũng gặp khó khăn khi không có cơ chế xử lý đất nông nghiệp hết thời hạn; người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận.

Nhắc đến khó khăn trong việc thi hành án, ông Lợi lấy vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như làm ví dụ. Trong vụ án này, tổng số tiền phải thi hành án lên tới 15.000 tỷ đồng, nhưng chỉ có tài sản không quá 500 tỷ đồng.

Đối với vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, có 16 tài sản trong vụ án liên quan đến bị án này có giá trị hơn 17.000 tỷ đồng, nhưng các đương sự đang khởi kiện ra tòa để phân chia.

Bên cạnh đó, một số tài sản kê biên, vốn góp, tài sản hình thành trong tương lai… ở các đại án hiện nay chưa có quy định, gây khó khăn trong việc thi hành án.

Phan Sào Nam ngồi ghế giám đốc, cam kết trước Tết nộp hết tiền khắc phục

Phan Sào Nam ngồi ghế giám đốc, cam kết trước Tết nộp hết tiền khắc phục

Ngày 20/9, ông Giang Hồng Thanh, luật sư của Phan Sào Nam đã nộp thêm cho Nam 1,85 tỷ đồng tiền khắc phục vào tài khoản ngân hàng của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ.

T.Nhung