Buổi tối, dọc các con đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), đường 3-2 (quận 10) là hàng trăm người vô gia cư, người nghèo đứng ngồi chờ nhận quà từ thiện.

Ngồi nép mình bên hiên nhà trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh), người phụ nữ hướng ánh mắt nhìn dòng người qua lại, thấy có người lại gần, chị sợ hãi, miệng khẽ rên rỉ những câu vô nghĩa.

Thấy vậy, cô Nguyễn Thị Hồng (quê Quảng Ngãi) chạy lại cho biết, người phụ nữ này bị phụ tình nên phát bệnh, đi lang thang, tối tối thường về đây ngủ qua đêm.

{keywords}
Cả ngày lang thang khắp nơi, tối đến người phụ nữ này lại ra vỉa hè đường Bạch Đằng chờ từ thiện

Nói rồi, cô Hồng chỉ những người đứng ngồi quanh đó cho biết, họ toàn là những người vô gia cư, thất nghiệp, không ai bảo ai, họ ra ngồi ngoài đường đợi các mạnh thường quân tới phát quà từ thiện.

Trước khi dịch tràn tới, cô Hồng bán vé số, dù không dư dả nhưng cũng đủ trang trải qua ngày. Một tuần nay, khi vé số bị cấm bán, không còn cách nào khác, tối đến cô phải ra ngoài đường chờ từ thiện. “Người cho phần cơm, người cho ổ bánh mì, người vài ba chục ngàn cũng đủ để gắng gượng qua ngày”, cô Hồng cho hay.

Lặng lẽ ngồi theo dõi câu chuyện, anh Công (quê Đà Nẵng) bẽn lẽn kể về về mình. Anh vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh đã lâu. Dịch tới, không còn được đi bán nữa, không có tiền thuê trọ, anh đành phải ra gầm cầu vượt Hàng Xanh ngủ. Do thực hiện Chỉ thị 16 nên mọi hoạt động đóng băng, anh Công không kiếm được việc làm nào khác, để có được bữa ăn, anh đành phải ra lề đường ngồi đợi các mạnh thường quân tới hỗ trợ.

“Tui còn mạnh khỏe thế này mà phải ra đường xin ăn cũng mắc cỡ và rầu lắm, nhưng giờ không nơi nào thuê cả, chỉ biết trông chờ vào các mạnh thường quân giúp đỡ”, anh Công nói.

Những ai có việc hoặc đi ngang qua TAND TP.HCM, thường thấy quán nước nhỏ của cô Huỳnh Thiện Hoa bán ngay sát cổng tòa. Quán nhỏ nhưng cũng giúp cô có tiền thuê nhà trọ, ăn uống hàng ngày. Thế nhưng, gần 1 tháng nay, cô phải dẹp quán.

{keywords}
Để mưu sinh, cô Huỳnh Thiện Hoa đi lượm ve chai kiếm từng ngàn lẻ

Không có nguồn thu, tối đến cô cầm theo chiếc bao, đi dọc đường Bạch Đằng lượm lặt từng vỏ chai nước suối, lon nước ngọt, vài tấm bìa rách đem bán. “Mỗi tối đi lượm đầy bao này tui bán được có 10-15 ngàn đồng, giờ người ta mua rẻ lắm”.

Thấy cô khập khiễng kéo lê bao ve chai, nhiều mạnh thường quân thương cảm cũng phát quà cho cô. Cô Hoa nói, không muốn đứng xin tiền hay đồ ăn vì mắc cỡ, còn cách gì kiếm ra tiền cô sẽ cố gắng.

Ôm chặt con gái trong tay, chị Lâm Thị Phượng (quê Sóc Trăng), ngồi thẫn thờ trên vỉa hè đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), thỉnh thoảng chị lại nhỏ nhẹ vỗ về con gái chịu khó đợi thêm chút sẽ có người mang đồ ăn tới cho.

{keywords}
Tối nào hai mẹ con chị Lâm Thị Phượng cũng ra vỉa hè đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) chờ nhận quà hỗ trợ

Chồng bỏ, chị mang theo con gái lên Sài Gòn rửa chén đĩa thuê, nuôi con ăn học. Khi quán cơm nơi chị làm buộc phải đóng cửa, chị Phượng thành thất nghiệp. Nghe mấy người cùng khu trọ mách, tối thường có các mạnh thường quân đi phát quà từ thiện, chị liền mang con gái ra đường ngồi đợi.

“Hầu như ngày nào mẹ con tui cũng nhận được quà hỗ trợ đủ để mẹ con có cơm ăn không bị đói”, chị Phượng cho hay.

Cái ăn đỡ lo được phần nào nhưng phòng trọ phải trả tiền theo ngày, vậy nên bữa nào có ai thương cho ít đồng thì mẹ con chị có chỗ ngủ qua đêm, còn bữa nào không có thì mẹ con lại ôm nhau ngủ ở vỉa hè.

Đang là trụ cột trong nhà, bỗng nhiên chú K. phát hiện mắc ung thư, chú đành bỏ việc để vào Bệnh viện ung bướu TP.HCM để điều trị.

{keywords}
Không muốn vợ con biết mình mắc bệnh trọng, chú K. ra vỉa hè ở để giảm chi phí dành tiền chữa bệnh

Không muốn gia đình lo lắng, chú K. giấu vợ con, tự bươn chải để lo cho bản thân. Khi dịch bùng phát, không có việc làm, để giảm thiểu chi phí, chú K. đành trả nhà trọ, lấy vỉa hè làm nơi tá túc. Thương hoàn cảnh của chú, chủ một nhà hàng trên đường Phan Xích Long để chú ngủ lại góc vỉa hè trước quán.

“Gia đình tôi cũng đang khó khăn lắm, tôi không muốn vợ con lo lắng, chống chọi được đến khi nào thì ráng tới lúc đó”, chú K. nói.

Thấy có mạnh thường quân tới phát cơm, chú tất tả chạy ra nhận một phần rồi ngồi lặng lẽ ăn qua bữa.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Minh Tấn (Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho hay, sẽ chỉ đạo cán bộ đi nắm bắt tình hình thực tế để nhanh chóng đưa họ vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. 

"Các trung tâm bảo trợ xã hội sẽ hỗ trợ họ ăn ở chu đáo", ông Tấn khẳng định.

Dịch bệnh hoành hành, bà chủ nhà trọ ở TP.HCM lo miếng ăn cho người nghèo

Dịch bệnh hoành hành, bà chủ nhà trọ ở TP.HCM lo miếng ăn cho người nghèo

Không những cho thiếu tiền thuê nhà, bà chủ nhà trọ hàng ngày còn nấu cơm, canh phục vụ những lao động nghèo khi họ mất việc do dịch bệnh Covid-19. 

Thanh Phương