- Chiều 19/6, TS – Bác sĩ Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội can thiệp thần kinh TP.HCM cho biết vừa xử lý thành công bệnh lý dị dạng mạch máu bẩm sinh cho một bé gái bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch.

Ca phẫu thuật đã diễn ra tại Bệnh viện Phúc An Khang (Q2, TP.HCM) lúc 11 h 45 phút và kết thúc sau đó chừng 2 tiếng.

Bệnh nhi là bé Bùi N. H. P., sinh năm 2008, ngụ tại quận Tân Bình.

Chị Trang, mẹ của bé P. kể, ngay từ khi sinh ra đã thấy giữa cằm con gái có vết đỏ bằng đầu ngón tay út. Khi bé lớn hơn, vết đỏ nơi cằm có xu hướng lan rộng. Lo lắng, gia đình đã đưa bé đi khám tại nhiều bệnh viện, chiếu laser nhưng tình trạng không thuyên giảm. Vết đỏ sưng lên, chuyển màu tím, lan rộng sang hai bên.

{keywords}

Bệnh nhân đang được thực hiện kỹ thuật can thiệp nội mạch. Ảnh: Thanh Huyền.

Tại Bệnh viện Phúc An Khang, các bác sĩ kết luận bệnh nhi bị dị dạng mạch máu cằm, kích thước khối bướu máu khoảng 3 x 4 cm.

“Nếu không can thiệp ngay, chẳng những ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà khối bướu sẽ ăn sâu vào mạch máu trong răng, nguy cơ vỡ ra và chảy máu rất cao. Hoặc khi bệnh nhi thay răng, nhổ răng máu sẽ không cầm được, nguy hiểm tính mạng.”, bác sĩ Cường nói.

Ê kíp phẫu thuật gồm 6 người do bác sĩ Cường là phẫu thuật viên chính đã tiến hành đưa dụng cụ đi theo động mạch đùi của bệnh nhi tới đoạn mạch máu bị bệnh, bơm keo sinh học và các hạt gây tắc mạch.

{keywords}

Bé P. sau khi phẫu thuật đã hoàn toàn hồi phục, ăn uống được. Ảnh: Thanh Huyền.

Mục đích của việc này khiến các mạch máu dị dạng bị tắc lại, ngăn cản chảy máu, khối bướu cũng nhờ thế xẹp lại.

Ngay sau ca phẫu thuật bé P. đã phục hồi nhanh chóng, hiện bệnh nhi hồi tỉnh, ăn uống tốt.

Can thiệp nội mạch bằng máy DSA được coi là kỹ thuật cao trong y tế nói chung và trong điều trị đột quỵ nói riêng. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này lên tới trên 90%, không xâm lấn, rút ngắn thời gian nằm viện. Đặc biệt kỹ thuật này ưu điểm hơn phương pháp phẫu trị cổ điển ở chỗ có thể xử lý ở những vị trí khó, trọng yếu.

Thanh Huyền