- "Người dân cần gì thì tôi làm cái đó, chứ không thể ngồi trong phòng sáng tạo" - tân Chủ tịch UBND quận 12 (TP.HCM) Lê Trương Hải Hiếu chia sẻ "công thức" làm việc lấy nguyện vọng của nhân dân làm mệnh lệnh.

Nói với báo chí bên lề kỳ họp thứ 19 HĐND TP.HCM sáng nay, tân Chủ tịch quận trẻ tuổi nhất của TP chia sẻ có nhiều trăn trở, cảm thấy trách nhiệm trước trọng trách mới.

"Tôi rất hồi hộp bởi giữ vị trí đứng đầu chính quyền một địa bàn rộng và có dân số gấp đôi quận 1, diện tích lớn hơn quận 1, hiện đang phát triển sẽ còn bề bộn nhiều việc phải làm.

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là mong muốn làm sao sớm nhất nắm bắt được tình hình địa phương, nắm bắt được hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của nhân dân quận 12 để có những giải pháp giúp người dân nơi đây" - ông Lê Trương Hải Hiếu nói.

{keywords}

Tân Chủ tịch UBND quận 12, TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu: Cố gắng làm sao cho đời sống người dân quận 12 ngày càng sung sướng hơn. Ảnh: Đinh Tuấn

Chia sẻ việc đầu tiên dự định làm khi về quận 12, ông Hiếu nói ngay không do dự: "Tôi sẽ đi cơ sở. Phương châm là cố gắng làm sao cho đời sống người dân của quận ngày càng sung sướng hơn". 

Là Chủ tịch quận trẻ tuổi, yếu tố kinh nghiệm như thế nào, thưa ông?

Về kinh nghiệm điều hành quản lý, xử lý các vấn đề, tôi không thể nào bằng các đồng chí đã có quá trình làm việc lâu dài được. Từ trước đến giờ, tôi luôn luôn cầu thị học hỏi. Xác định phương cách mình làm là lấy nguyện vọng của nhân dân làm mệnh lệnh. Người dân cần gì thì tôi làm cái đó chứ không thể ngồi trong phòng sáng tạo. Mỗi địa phương có đặc thù khác nhau. Công thức của tôi đơn giản là vậy thôi.

Bố ông là Bí thư Thành phố, ông nhận thấy áp lực như thế nào khi đảm nhận nhiệm vụ mới?
Tôi càng phải trách nhiệm hơn để giữ uy tín cho bản thân và cho gia đình.

Quá trình công tác của ông ở quận 1 có những kết quả được ghi nhận, đánh giá cao. Trong việc bổ nhiệm vừa rồi, ông có nghĩ mình được ưu ái?

Tôi cũng bất ngờ. Nhưng ưu ái hay không tôi không dám tự đánh giá. Các quy trình hồ sơ thủ tục của tôi đều như các đồng chí khác.

Cũng vào tháng 8 của 10 năm trước, anh Võ Văn Thưởng (hiện là Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) về làm Bí thư quận 12, tôi không phải trẻ nhất đâu.

Ông đã chia sẻ cảm xúc của mình trên mạng xã hội Facebook khi nhận trọng trách mới, điều mà ít ai làm trước đây. Ông cảm nhận như thế nào?

Chia sẻ trên Facebook là cảm xúc tình cảm của tôi khi chia tay một nơi đã công tác gần 10 năm, coi đây là một lời tri ân tới cán bộ, đảng viên, đến các cô chú, anh chị, đồng đội đã hỗ trợ, dạy dỗ, dìu dắt, chia sẻ động viên trong suốt khoảng thời gian vừa rồi.

Ngày về công tác tại quận đoàn 1, tôi chỉ là sinh viên vừa về nước rất bỡ ngỡ. Qua quá trình công tác, nếu không có sự hỗ trợ của mọi người thì chắc chắn tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ. Cảm xúc nhỏ nhoi thôi.

Làm dân giàu là quản lý nhà nước thành công

Điều gì khiến ông tâm đắc nhất trong thời gian công tác ở quận 1?

Ở đây tôi cùng những người khác xây dựng được quy chuẩn, chuẩn mực và nhận thức trách nhiệm của cán bộ đối với dân.

Từ đó dẫn đến thái độ của mình đối với công việc để phục vụ nhân dân, đó là cái quan trọng nhất. Từ đó tiếp tục xây dựng các hệ thống khác như hệ thống công nghệ thông tin, quy trình làm sao cho thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho người dân nhất. Sản phẩm không phải đáp ứng đủ tất cả nhu cầu, nhưng đã có nền tảng cơ sở bước đầu để từ đó tiếp tục phát triển. Tôi cũng bất ngờ nhưng ưu ái hay không, không dám tự đánh giá

Liệu những cải cách thủ tục hành chính từng áp dụng rất thành công ở quận 1 có được ông tiếp tục ở quận 12?

Tôi sẽ nắm lại quy trình thủ tục. Nếu cái gì không phù hợp sẽ cải tiến. Còn mình ứng dụng điện tử hay không là do mình, quan trọng là hồ sơ, quy trình phải đúng quy định pháp luật đã. Về áp dụng điện tử khi quy trình chưa phù hợp thì cũng không được.

Ông học ngành luật, tại sao lại chọn con đường quản lý nhà nước?

Tôi học luật và sau đại học là quản lý kinh tế. Tôi nghĩ rằng tư nhân thì quản lý kinh tế để làm giàu cho bản thân, còn người quản lý nhà nước nếu hiểu về kinh tế sẽ có cơ chế chính sách cho mỗi người dân giàu hơn thì đó là thành công về quản lý nhà nước. Cá nhân thành công là xã hội thành công.

Thư Vũ (ghi)